Nhãn Thức và Tâm Thức (Cakkhu Vinnana – Mano Vinnana)

Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Trích Kinh Mi Tiên (Dịch Giả: Hòa Thượng Giới Nghiêm)


Phải chăng nhãn thức và tâm thức quen biết nhau, hoặc giả nhãn thức có nói với tâm thức rằng: “Nếu tôi sanh tại chỗ nào thì anh cũng sanh tại chỗ ấy.” Hoặc tâm thức nói với nhãn thức rằng: “Anh hãy sanh trước đi, tôi sẽ nương theo anh mà sanh sau.”

Bạch đại đức! Khi nhãn thức sanh khởi thì tâm thức có cùng sanh khởi không?

Thưa, có.

Vậy cái nào trước, cái nào sau?

Nhãn thức sanh trước, tâm thức sanh sau, tâu đại vương!

Điều này trẫm nghi ngờ lắm! Phải chăng nhãn thức và tâm thức quen biết nhau, hoặc giả nhãn thức có nói với tâm thức rằng: “Nếu tôi sanh tại chỗ nào thì anh cũng sanh tại chỗ ấy.” Hoặc tâm thức nói với nhãn thức rằng: “Anh hãy sanh trước đi, tôi sẽ nương theo anh mà sanh sau.”

Chúng không giao hẹn với nhau như thế đâu, tâu đại vương.

Nếu không có sự kết ước của hai bên, sao anh thì đi trước, anh thì đi sau luôn luôn như thế được?

Ây là bởi có bốn tính chất sau đây khiến chúng cùng sanh một chỗ, đi liền nhau chứ không có ký kết, giao ước gì hết.

♦ Một là hành trình theo chỗ thấp, xuôi chiều.

♦ Hai là hành trình theo một hướng, một cửa.

♦ Ba là hành trình theo dấu cũ, đường cũ.

♦ Bốn là hành trình theo thói quen, theo huân tập, theo quán tính.

Hành trình theo chỗ thấp, xuôi chiều là như thế nào, hở đại đức?

Chảy vào chỗ đất thấp.

Nếu có đám mưa khác nữa?

Cũng chảy vào chỗ đất thấp ấy thôi.

Thế trận mưa trước có nói với trận mưa sau rằng: “Hễ tôi chảy chỗ nào thì anh chảy chỗ đó.” Hoặc đám mưa sau nói với đám mưa trước: “Chỗ nào anh chảy xuống thì chỗ ấy tôi sẽ chảy theo” không?

Chúng không hề giao ước như vậy. Nước chảy xuống chỗ thấp là chuyện tự nhiên thôi.

Nhãn thức sanh khởi trước, tâm thức sanh khởi sau cũng y như thế, chẳng giao ước gì cả, tâu đại vương .

Trẫm đã hiểu ví dụ ấy. Còn hành trình theo một hướng, một cửa là thế nào?

Ví như có một tòa trấn thành tường cao, hào sâu nhưng vào ra chỉ có một hướng, một cổng thành duy nhất. Vậy người bên trong muốn đi ra bên ngoài phải làm thế nào, đại vương?

Phải đi ra bằng cổng lớn.

Thế người thứ hai, thứ ba?

Cũng từ cổng ấy mà ra.

Những người ấy có hò hẹn gì với nhau chăng mà họ đi ra cùng một cửa?

Thưa không.

Người ra trước có nói với người ra sau, người ra sau có nói gì với người ra trước mà họ lại cùng đi chung một hướng, một cửa như thế?

Thưa không.

Nhãn thức đi trước và tâm thức đi sau cùng ra một hướng, một cửa là thế đó, tâu đại vương .

Thế còn hành trình theo dấu cũ, đường cũ là sao?

Ví như có chiếc xe đi qua cánh rừng để lại một dấu vết, chiếc xe theo sau có theo dấu vết đó mà đi hay tự mở con đường mới?

Dĩ nhiên là theo dấu vết, theo đường cũ mà đi.

Họ có hẹn ước gì với nhau chăng?

Thưa không.

Nhãn thức và tâm thức cũng thường theo dấu vết cũ, đường cũ mà sanh khởi y như thế đó, tâu đại vương .

Tính chất thứ tư của chúng là theo thói quen, huân tập, quán tính là thế nào, đại đức?

Ví như các môn học tập viết, làm toán v.v… ban đầu ai cũng vụng về, chậm chạp. Nhưng về sau do sự cố gắng, tập luyện, làm nhiều, viết quen tay…; từ vụng về, chậm chạp đã trở nên mau lẹ, nhậm lẹ, tính nhanh, viết thạo. Đấy chính là thói quen, là huân tập, lâu ngày trở thành quán tính, như phản xạ tự nhiên vậy. Nhãn thức và tâm thức cùng sanh khởi trước sau cũng mau lẹ, theo thói quen, theo quán tính như vậy đó, tâu đại vương!

Trẫm đã hiểu.

Không những nhãn thức mà cho chí nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức cũng phải được hiểu như trên, cũng có đầy đủ những tính chất nêu trên, tâu đại vương .

Trẫm đã hết nghi về điều ấy rồi.