Pháp Nghe An Lạc!

Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam


Học được pháp nghe của đức Phật giúp ta luôn tỉnh giác với âm thanh, an vui hạnh phúc hơn trong cuộc đời vốn nhiều rối rắm.

Thông thường, con người bị phiền não, bất an, buồn đau, sầu thảm là từ “cái nghe”“cái thấy” qua lỗ tai và con mắt.

Nhìn thấy những điều không thuận ý mình thì sinh ra chướng mắt khó chịu bực mình sân si.

Thấy những thứ, những người, những cảnh thuận ý mình thì mình vui thích dần sinh bám chấp dính mắc. 

Nghe những điều, những lời không thuận ý, thuận tai mình thì chướng tai gai mắt sinh ra khó chịu bực mình phiền não. Nghe những lời nịnh hót, bợ đỡ ngọt ngào êm dịu thì vui sướng thích thú sinh dính mắc, chấp thủ

Học được pháp nghe của đức Phật giúp ta luôn tỉnh giác với âm thanh, an vui hạnh phúc hơn trong cuộc đời vốn nhiều rối rắm. 

1. Nghe Như Ăn:

Cái miệng của chúng ta khi ăn, chúng ta chọn những món hợp khẩu vị, bổ dưỡng, chúng ta mới đưa vào miệng. Những món ăn bị thiu, ôi, thúi, chúng ta ngửi còn khó chịu, huống chi đưa vào trong miệng.Tức là ta có quyền chọn món ăn

Cũng vậy, lỗ tai của ta, khi nghe những lời hay, lời thiện làm ta vui hướng thiện thì ta nghe, học và làm theo. Những lời không hợp đạo lý, trái tai gai mắt, chê bai, chỉ trích, nói xấu, đâm thọc, ta không nghe, không để ý, không lưu lại trong tâm, như những món ăn hôi thúi, ta không ăn, đem vứt bỏ đi.

2. Nghe Như Nhận Quà:

Người ta đem quà đến biếu tặng cho ta, ta thích ta nhận thì ta mới giữ lại, ta không thích, không nhận thì họ phải mang về cho họ.

Cũng vậy, khi có người chửi mắng, chê bai đâm thọc, nói xấu ta, ta không nhận thì họ phải tự mang về, tự nhận lấy

Nếu ta nhận thì ta mới khổ não ưu phiền khó chịu.

 3. Nghe Bằng Trí Tuệ

Nghe bằng trí tuệ là cách nghe không vướng chấp bằng lỗ tai qua việc thấu rõ thực tướng của âm thanh

Khi ta bị những người thù ghét ta, nói xấu, đâm thọc, chỉ trích thậm chí chửi mắng ta, dù trước mặt hay sau lưng, ta dùng trí tuệ quan sát rõ: Những lời nói, những âm thanh đó vốn không có thật, không có nơi tồn tại thật, ta tìm không thấy nó ở đâu, nếu ta không chấp, không lưu giữ trong tâm ta, trong đầu ta

Hơn nữa, nghe bằng trí tuệ, sáng suốt là nghe với tâm từ bi, biết bao dung, thông cảm.

Vì đôi khi chính bản thân ta cũng vì tức giân mà phát ra những lời không tốt, gây khổ đau cho người khác. Ta thông cảm cho người khác, chính là bao dung cho chính mình.

Có lẽ, ai học vài tu pháp nghe của Phật này, thì cuộc đời họ sẽ nhẹ nhàng và ít buổn khổ hơn.