Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Sư Cô Giới Hương
Nhân là đưa đến kết quả (năng sanh). Duyên là giúp nhân thành quả (sở sanh). 12 nhân duyên còn gọi là 12 hữu chi (có cành nhánh), 12 trùng thành (gặp nhân duyên tạo thành), 12 kinh cước (chỉ móc nối với nhau), 12 liên hoàn (liên đới và trở lại).
Nhân là đưa đến kết quả (năng sanh). Duyên là giúp nhân thành quả (sở sanh). 12 nhân duyên còn gọi là 12 hữu chi (có cành nhánh), 12 trùng thành (gặp nhân duyên tạo thành), 12 kinh cước (chỉ móc nối với nhau), 12 liên hoàn (liên đới và trở lại). Tùy khả năng đoạn một khoen là cả vòng 12 khoen tan rã. Sao mai vừa mọc ngày mồng 8 tháng 12, Bồ tát Cồ Đàm chứng ngộ Lý Duyên khởi tức 12 nhân duyên này. Từ đó, Ngài dùng ánh sáng duyên khởi làm đuốc soi đường, mở cửa bồ đề cho thế gian chúng sanh. 12 vòng (khoen) nhân duyên là:
- Vô minh
- Hành
- Thức
- Danh sắc
- Lục nhập
- Xúc
- Thọ
- Ái
- Thủ
- Hữu
- Sanh
- Lão tử
Chúng ta hiểu từng nhân duyên như sau: 1-6
1. VÔ MINH
Vẽ hình ảnh bà già mù chống gậy đi trong rừng xương. Rừng xương vì xương sống, xương sườn chúng ta đã bỏ từ bao kiếp luân hồi. Mù là không sáng, khởi niệm quên lửng chân không diệu tánh. Rừng là cũ kỹ, rậm rạp là nhiều. Con đường toàn xương chúng ta đã đi từ vô thủy, chúng ta đã biết chán chưa? Chúng ta còn đăm đăm trước mắt chuyện con rắn, heo, gà trước mắt. Còn tham lam, giận hờn cả ngày, đâu có thời gian nhận được mình là bà già mù đi trong rừng xương.
Quán duyên khởi, thấy mối tương quan của vạn pháp, huyễn sanh, huyễn diệt. Người có trí biết thương kẻ đồng nghiệp, tha thứ khoan dung những mê dại. Một lòng từ bi hỉ xả để độ tha. Vô minh là khởi niệm khiến quên mất chân tánh và mất sự sáng suốt của trí tuệ. Do vô minh nên mới tạo nghiệp thiện hay ác để tiếp nối vòng luân hồi sanh tử là hành. Cho nên vô minh (là hoặc, nhân) duyên hành (nghiệp, quả).
Thập triền (phẩn, phú, hôn trầm, thụy miên, hỷ du, trạo cử, vô tàm, vô quý, khan và tật đố). Triền là dây trói buộc chúng sanh, khiến chúng ta không ra khỏi sanh tử được mà bị ràng buộc hoài, không thoát khỏi được sợi dây ái nhiễm, dục nhiễm mà được lên bờ giải thoát an lạc. Thập triền này là thức ăn của vô minh. Khi vô minh bị đoạn trừ thì minh khởi.
Chúng ta cần phải làm giàu trí óc mình, thay đổi hiểu biết và chuyển hoá mình bằng những kho tàng tri kiến của các bậc cổ đức, cần mở mang và hoàn thiện tâm hồn bằng những dấu vết bước đi của người xưa. Chìa khóa hạnh phúc là tánh giản dị. Do đây ta có đầu óc rảnh rang để lo sự nghiệp tâm linh, không chăn ba con gà, rắn và heo nữa.
♦♦♦
2. HÀNH
Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy: nếu mình nói hay hành động với tâm thanh tịnh hay ô nhiễm thì an vui hay khổ não sẽ theo liền với mình như bóng theo hình hay như bánh xe lăn theo dấu chân con bò.
“Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Ta nói hay hành động
Khổ não sẽ theo ta
Như bánh xe lăn theo
Bước chân của con bò.” [26]
“Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ ý tạo
Nếu với ý thanh tịnh
Ta nói hay hành động
An vui sẽ theo ta
Như bóng chẳng rời hình.”[27]
Như anh thợ gốm đang nắn chiếc bình. Nắn khéo thì bình đẹp (thanh tịnh). Vụng thì bình méo (ô nhiễm). Hãy nắn cẩn thận tức là chính thân miệng ý hiện tại đang tô điểm hoặc bóp méo tương lai của chúng ta. Lành thiện thì cuộc đời mai sau sẽ huy hoàng. Mê dại xấu ác thì thảm hại đáng thương đang chờ đợi, tức hành vi hiện tại đem quả báo mai sau nên Hành duyên Thức, nghĩa là những hành vi hiện tại có năng lực tiềm ẩn, điều khiển thúc đẩy tâm thức trong chiều sâu, để dẫn dắt hữu tình đi đến tương lai. Nghiệp thường xuyên thay đổi theo tâm biến hoá của mình như người thợ tùy sở thích mà nắn vạn hình thiên kiểu.
Nương lời dạy của Đức Phật, biết rõ hành uẩn duyên sanh, vô thường vô ngã, nhờ định lực, hành vô hành, đắc vô đắc, có thể dừng bước trên con đường sanh tử vô tận. Kinh Tương Ưng III, Phẩm Tham Luyến[28] , Đức Phật dạy: “Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hành? Có sáu tư thân này: sắc tư, thanh tư, hương tư, vị tư, xúc tư, pháp tư. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hành. Do xúc tập khởi nên các hành tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên các hành đoạn diệt. Đây là con đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến đoạn diệt, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.”
Đức Phật dạy sắc tư, thanh tư, hương tư, vị tư, xúc tư và pháp tư là tâm suy nghĩ về sắc thanh hương vị xúc pháp, 6 trần gọi là Hành. Tư là động lực đưa đến tái sanh, tức là tùy bàn tay khéo vụng mà thành bình đẹp xấu. Ý nghiệp là căn bản sanh tử. Tâm trong sạch là gốc giải thoát. Ý thanh khiết là nền tảng tiến hóa. Ý nghiệp niệm niệm phan duyên, kích động sáu căn, dung thông khắp cơ thể. Bao nhiêu nghiệp thiện ác nặng nhẹ, ý đều làm chủ. Ý nghiệp vi tế rất khó khăn cho chú mục đồng chăn giữ. Chúng ta phải tự điều phục tâm mình như Kinh Pháp Cú dạy:
“Người dẫn thủy, dẫn nước;
Kẻ làm cung, nắn tên;
Người thợ mộc, uốn ván;
Bậc chí thiện, tự điều.”[29]
Tâm ta như một dòng sông. Sự chuyển động của dòng sông là tổng hợp của tất cả những chuyển động từng giọt nước. Cũng thế, tâm chúng ta là một chuỗi thiện ác, vui buồn yêu ghét. Sự liên tục xê dịch, đổi dời, triền miên chuyển động biến hóa này là Hành ấm. Rời các niệm tưởng suy nghĩ không có hành ấm nên nói hành vô ngã.
♦♦♦
3. THỨC
Tranh vẽ cảnh chú khỉ nhảy từ cành này sang cành khác. Cành cũ (nghiệp cũ) đã khô cằn, cành mới trĩu đầy quả (có thể lành hay độc). Tâm thức thật thể ở khắp pháp giới nhưng vì vô minh cứ gặp cảnh là thọ khổ vui, khởi yêu ghét. Không ngờ đã mắc chỗ đầu thai đem đến danh sắc. Thân sau gọi là tái sanh. Thân này là hậu quả của năm uẩn cũ. Thần thức theo nghiệp chịu báo tái sanh để đền ơn hay trả oán hoặc hưởng phước hoặc chịu tội gọi là thức duyên danh sắc.
Tâm thức là một chuỗi biến đổi duyên sanh làm sống bào thai và là cái biết của sáu giác quan sau này. Nếu định nghiệp sắp làm con trai thì thân trung ấm dấy niệm thương mẹ. Nếu là con gái thì thân trung ấm dấy niệm thương cha. Nhơn lòng yêu làm hạt giống, nạp tưởng điên đảo nên thai để gá vào mẹ, nên nó là hành duyên thức. Cái hành nó chuyền níu qua thức.
Khi thần thức hoan hỉ với lúc cha mẹ giao hợp, ba hơi nóng hay điểm này (cha, mẹ, trung ấm) nhập cục với nhau như một điểm hồ đặc ở trong tử cung. Thức ấy là tinh thần; tinh cha huyết mẹ là vật chất. Bấy giờ trong bào thai có ba nguyên tố là mạng sống, hơi ấm của ba lửa (cha, mẹ, thần thức) và thức: tánh biết, tánh Phật mà khi cuộc vào thân người thì gọi là thức A-lại-da. Khi đầu thai, thức này đến trước nhất, rồi lần hồi nảy sanh bảy thức kia. Thức tâm là danh (phần vô hình), phôi thai là sắc (hữu hình) nên bảo thức duyên danh sắc, thức leo qua danh sắc.
Lớn lên khi sáu căn tiếp xúc sáu trần sinh phân biệt sáu thức. Nếm mật ong thì ngon ngọt, ăn ‘cơm không’ ta thấy vị lạt nhạt nhẽo. Các thực phẩm mỗi thứ, một vị nhưng khi bài tiết ra, chúng chẳng khác nhau. Cái tô so với cái tách là lớn nhưng so với cái chậu lại bé. Tâm phân biệt theo nghiệp mà nhuốm màu vạn vật. Thế giới sáu trần chính nó tạo ra toàn những bất đồng. Đường ngọt, muối mặn, khổ vui, động tĩnh chung quy cũng chỉ là nhân duyên sanh nên vô ngã, vô thường, khổ và không.
Chỉ cần chúng ta luôn tự chủ và sáng suốt. Những cảm giác khởi lên chúng ta ghi nhận, biết rồi để mặc chúng tan đi với tánh cách vô thường của chúng. Vọng tâm như con khỉ nhảy nhót, ưa thích rồi chán bỏ, rồi lại ưa thích rồi lại chán bỏ… giác quan tiếp xúc sự vật. Yêu và ghét phát sanh. Thế là có anh si mê đứng đấy. Nhưng với chánh niệm thì đấy là lúc trí tuệ phát sanh. Bắt buộc phải có mặt ở một nơi mà các giác quan bị quấy rầy. Đừng ngại, giác ngộ không có nghĩa là điếc hay mù, chỉ cần chánh niệm, không dính mắc. Bản chất là ảo ảnh nên sáu trần tự trôi qua. Điều cần yếu là phải học cách kiểm soát và làm chủ con khỉ. Tám thức phân biệt tài tình tuyệt diệu.
- Nhãn thức tâm vương là chủ tể biến ra thế giới màu sắc, hình tướng.
- Nhĩ thức tâm vương biến ra thế giới âm thanh.
- Tỵ thức tâm vương biến ra thế giới thơm hôi.
- Thiệt thức tâm vương biến ra thế giới ngọt chua.
- Thân thức tâm vương úm bala biến ra thế giới nóng, lạnh, trơn và rít.
6. Hoàng đế ý thức tâm vương tài ba lanh lẹ, quán xuyến vào các pháp trần, chiếu rọi quá khứ, hiện tại, vị lai và thống lý cả năm quốc gia trên.
Năm thức trên tuần nghiệp theo duyên biến ra năm trần cảnh, kiến hoặc chấp năm trần là thật. Ý thức phân biệt xấu đẹp hay dở là tư hoặc. Kiến hoặc, tư hoặc là gốc trầm luân. Ai chăm quán vô ngã, vô ngã sở thì ý thức chuyển thành Diệu quan sát trí, mở đường cho tạng thức trở về đại viên cảnh trí, thành chánh đẳng chánh giác.
Thật ra nhãn thức không nhìn thấy cảnh bên ngoài đâu.
Thần kinh: ta đang nhìn sự vật ở thần kinh trong con mắt. Do ánh sáng mặt trời chiếu vào bông hoa ở ngoài vườn, phản chiếu qua con ngươi vào thị giác thần kinh.
Bóng ảnh: tâm liền thấy một bóng ảnh gọi là nhãn thức đã sanh.
Bóng ảnh theo nghiệp người: theo nghiệp người, cha mẹ, gia đình, nhà trường đã dạy ta gọi là hoa vạn thọ…Trước kia ta yên chí là ta thấy bông hoa thật ở ngoài vườn. Đâu ngờ mình chỉ thấy bóng ảnh ở thần kinh của nghiệp người, theo duyên hiện lên gọi là nhãn thức sanh; rồi lại theo duyên tan đi, gọi là nhãn thức diệt.
Bóng ảnh này không phản ảnh trung thành sự thật đâu. Nó theo duyên ánh sáng mặt trời, giả hiện trong lòng mắt đang tối của loài người. Mắt cua tròn xoe lồi ra ngoài hẳn lãnh tia sáng một cách khác. Bông hoa hiện lên hẳn cũng phải là một hình sắc khác. Các công nghệ sản xuất gương hiện nay minh chứng điều đó cảnh vật tuần nghiệp phát hiện. Thế cho nên, nhãn thức hư vọng vô ngã và nhãn thức hư vọng thế nào thì năm thức kia cũng vậy.
♦♦♦
4. DANH SẮC
Phật dạy vẽ một chiếc thuyền đang chở bốn thùng đồ vật (đất, nước, gió và lửa). Vọng thân như con thuyền đang trôi trên dòng sông sanh tử. Danh là tâm (sắc là đất nước gió lửa) chính những yêu ghét mừng giận của chúng ta hàng ngày đưa chúng ta đi đầu thai, như khỉ theo nghiệp leo trèo mà có lên hay xuống. Đức Phật gọi bào thai là danh sắc.Tâm là danh, người chèo lái con thuyền tức thức A-lại-da. Một khi thân đã thành tựu hoàn mãn rồi, thức này sẽ lần hồi nảy sanh bảy thức kia. Cái nghiệp (vọng thân) của mình như thuyền đang trôi trên dòng sông sanh tử. Có Danh Sắc bào thai thì có sáu căn. Nên danh sắc duyên lục nhập.
♦♦♦
5. LỤC NHẬP
Lục Nhập là sáu căn (bào thai hoàn mãn ra khỏi bụng mẹ). Phật dạy vẽ nhà có sáu cửa vì sáu trần sẽ từ sáu căn đi thẳng vào tâm.Căn nhân trần phát ra cái biết và trần nhân căn mới có tướng hiện; từ đó thức phân biệt là đầu mối chia chẻ nhị biên, khiến ngã tánh sai lầm mọc rễ. Chủ thể nhận thức (tâm) và đối tượng nhận thức (cảnh) dựa nhau đồng khởi là do môi giới sáu căn. Kinh Lăng Nghiêm[30], mười phương Như Lai khác miệng đồng lời xác nhận rằng: “Đầu nút câu sanh vô minh khiến luân hồi sanh tử chính là sáu căn, cho nên y sáu căn mà cởi gỡ thì được tịch thường đạo quả an vui giải thoát” (Tri kiến lập tri tức vô minh bản; tri kiến vô kiến tư tức Niết bàn). Thế thì sở dĩ bây giờ chúng ta là chúng sanh và Phật là bậc thánh vì ngài khi sáu căn tiếp xúc sáu trần thì không khởi niệm, còn mình thì mở tung các căn như căn nhà mở toang các cửa để thu nạp và lãnh trần cảnh, rồi tính toán khôn dại, hơn thua, lợi hại. Thế là vô số tham, sân, si khởi dậy và tạo ra nghiệp sát, đạo, dâm, vọng…Do có sáu căn mở toang tiếp cảnh ngoài nên có xúc chạm, vì thế lục nhập duyên chuyền níu qua xúc.
♦♦♦
6. XÚC
Căn trần xúc chạm (mắt xúc trần, tai xúc thanh, mũi xúc hương, lưỡi xúc vị, thân xúc chạm và ý xúc pháp) nhưng nguy hiểm nhất là nam nữ hai thân xúc chạm. Đây là nguồn chảy thành biển trầm luân sanh tử thế gian. Thân này là quả của dục nhiễm. Rồi trong lúc có thân, chúng ta lại tiếp tục tạo vô số các nhân mới để tạo quả vị lai. Hàng ngày yêu thích cái áo này, ký tên với cây viết này mới chịu, làm việc với người mình hạp, chỉ thoả mãn với món ăn mình thích, chỉ nói chuyện hay email với người mình ưa… những việc nho nhỏ đó đều biểu lộ chủng tử lòng ái nhiễm, lòng tham ái của con gà hay bồ câu và ta cứ vô minh, vô tình hay cố ý tạo những hạt giống chủng tử đó.
Thế nên bổn phận đầu tiên của người xuất gia là hộ sáu căn (hộ mắt đừng để thấy sắc ái nhiễm, hộ tai đừng nghe tiếng bậy, hộ lưỡi đừng thốt lời ám muội, hộ mũi đừng ngửi hương son phấn, hộ thân đừng đam mê xúc chạm, hộ ý đừng để tư tưởng bất chính khởi lên). Quán thân do bốn đại đất nước gió lửa giả hợp, không ta, không người, không thọ và không mạng. Sự xúc chạm là pháp không có. Chỉ có sự có mặt hai duyên căn trần. Rộng quán sát sẽ thấy tất cả vạn pháp đều không tự có. Thực sự chỉ là sự có mặt của duyên. Ai am hiểu sự thật này là hiểu Phật pháp. Không nhận thức được thật tướng của các pháp, không thấu đáo được chân tướng của chính mình, không có chánh kiến là vô minh. Bà già mù vô minh vẫn ngự trị muôn loài cho tới bao giờ chúng ta chịu mở mắt theo ánh sáng giác ngộ của Như Lai