Biết bản chất con người rồi chúng ta làm gì?

Translate into Other Languages
Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Thượng Tọa Thích Chân Quang


Đôi khi chúng ta nhìn ra được bản chất của con người, thấy được người đó ưu chỗ nào, khuyết chỗ nào, tốt thế nào, xấu ra sao… Tự nhiên lúc đó ta chỉ thương người tốt, còn người xấu thì ta sợ hãi, tránh né, ghét bỏ. Tuy nhiên theo lời Phật dạy, ta không ghét ai cả.

Yêu thương con người, giúp người tốt tiến lên, vực người lầm lỗi đứng dậy.

Đôi khi chúng ta nhìn ra được bản chất của con người, thấy được người đó ưu chỗ nào, khuyết chỗ nào, tốt thế nào, xấu ra sao… Tự nhiên lúc đó ta chỉ thương người tốt, còn người xấu thì ta sợ hãi, tránh né, ghét bỏ. Tuy nhiên theo lời Phật dạy, ta không ghét ai cả

Con nguyện yêu thương khắp chúng sinh

Trải lòng thanh tịnh đón bình minh

Chẳng còn thù ghét một ai cả

Người thương người nơi cõi thái bình…

Ví dụ, chúng ta biết người đó khi được giao công việc thì làm rất giỏi, rất chu đáo, tận tụy, nhiệt tình làm cho bằng được, nhưng nếu gặp lợi thì lại động lòng tham, có thể phản bội.

Biết vậy nhưng ta không ghét. Với nhược điểm thì ta cố gắng giúp họ, đừng để nhược điểm đó xảy ra; với ưu điểm của người, ta cố gắng vun đắp cho họ có nhiều cơ hội tạo phước để vượt qua lỗi lầm.

Cũng có những lúc chúng ta phải nghiêm khắc trách phạt, rầy la để họ biết lỗi mà vượt qua và đừng tái phạm nữa, nhưng trong tâm mình không ghét, miệng không trách móc chê bai.

Nếu chúng ta có một chút ác cảm, còn chút ghét bỏ hay còn nói xấu thì ngay lúc đó chúng ta đã rời xa con đường Phật dạy. Bổn phận của chúng ta là phải tiếp tục thương yêu con người dù biết người còn nhiều điều xấu, tiếp tục giúp đời dù biết người có thể phản bội.

Ta sống trọn vẹn nghĩa tình “Thà người phụ ta chứ ta không phụ người”.

Hãy tập cho mình tâm không còn ghét ai nữa, vì đây cũng là cách để chúng ta giúp người và giúp chính mình vượt lên.