Translate into Other Languages
Phật Giáo Việt Nam
Hòa Thượng Thích Nhật Quang
Mục đích rốt ráo của chúng ta là tu hành giác ngộ để được an vui vĩnh viễn, chấm dứt phiền não khổ đau. Đó cũng chính là mùa xuân bất diệt không có thời gian và không gian giới hạn.
Như người thế gian ưa thích âm nhạc, khi nghe tiếng nhạc tâm hồn đặt hết vào những âm thanh ấy, quên cả thời gian, không gian.
Có khi ngồi hằng giờ lắng nghe như vậy vẫn không thấy mệt thấy chán. Cũng thế, người tu khi sống được với tánh giác hoàn toàn trọn vẹn rồi thì cảnh duyên bên ngoài sẽ không can hệ gì mình nữa. Hiện tại chúng ta còn bị can hệ nhiều, phải không?
Cảnh nào bên ngoài cũng làm mình vui buồn, phiền não, thoái tâm Bồ-đề, tại vì mình chưa sống được với tánh giác.
Bây giờ chúng ta sẵn sàng buông bỏ tất cả để sống lại với tánh giác của mình. Tu như thế mới đúng với tinh thần của người tu nhất.
Nếu chịu khó nghiệm kỹ lại, chúng ta sẽ thấy mình sống rất vô lý.
Tại sao vô lý?
Những thứ hư giả không thật, càng chạy theo càng mắc mứu, càng tạo nghiệp càng chuốc quả khổ, vậy mà chúng ta vẫn cứ chạy theo nó.
Từ sáng sớm mở con mắt ra cho đến tối nhắm mắt lại ngủ, không lúc nào mình có được phút giây dừng lại.
Chúng ta cứ lăn xả vào nghiệp lực, hăng say trong cuộc diện ấy, như thế mà nguyện Phật cho con được an lạc thì làm sao an lạc được?
Phật nào có thể cứu giúp người thích bơi lội trong sự si mê vô lý. Nói vô lý vì mình đã có cái chân thật mà không chịu nhận, cứ lao đầu vào cái điên đảo hư giả rồi than khổ và cầu Phật cứu khổ.
Cứ chấp nhận kéo dài cuộc sống lê thê trong sự vô lý đó.
Càng vô lý càng điên đảo, càng điên đảo càng thêm vô lý, cho nên lăn lộn trong vòng luân hồi không dừng.
Có một nhà thơ đã diễn đạt ý này thật khéo:
“Lang thang từ độ luân hồi,
Vô minh nẻo trước xa khơi dặm về”.
Thử hỏi tại sao chúng ta lại lang thang như thế? Tại vì mình chưa sáng, vì còn mê hay vì vô minh. Vô minh là gì? Vô là không, minh là sáng. Vô minh là không sáng.
Chúng ta không chịu sống với cái sáng suốt của mình, mà lại sống với cái vô minh.
Vì vậy nên tạo nghiệp chuốc lấy quả khổ trong ba cõi, mới nói Vô minh nẻo trước xa khơi dặm về.
Bởi vô minh ở niệm trước đó đã tạo cái nhân mờ tối, khiến cho nẻo về quê xa tít. Đã tạo nhân vô minh thì sẽ bị quả vô minh dẫn đi.
Phật là an lạc giải thoát thanh tĩnh, chúng ta không sống lại với tánh giác ấy mà gây tạo nhân lăng xăng phiền não tăm tối, làm sao thành Phật thành Tổ được?
Chỉ có đừng vô minh là hết lang thang trong tam giới, là chấm dứt khổ đau. Giản dị vậy thôi.
Khi nhận ra được tánh giác rồi, chúng ta sẽ thấy cuộc luân hồi lang thang hiện nay là một sự mê muội phi lý. Tự ta gầy dựng cái phi lý ấy cho mình và càng phi lý mãi khi ta không biết dừng.
Như vậy quí vị có nhận ra cách tu chưa? Chỉ tỉnh sáng là được.
♦♦♦
Ví dụ như muốn ra đường thì mình phải sáng mắt, thấy bước ra ngoài nên đi theo ngã nào để đến chỗ mình muốn đến, không đi lầm đường lạc lối. Đó là chỗ người tu phải nhận ra.
Thấy mình phi lý rồi thì đừng gây tạo, đừng sinh hoạt gì trong cái phi lý đó nữa.
Mà phải vùng dậy, phải có sức mạnh, phải tin tưởng vào sức mạnh của mình, mạnh dạn đứng lên làm công việc của mình.
Chúng ta nên tâm nguyện điều này:
“Mau dừng lại, hãy dừng lại!
Tự đảm đang việc của mình, đừng đợi ai, ỷ lại vào đâu, nương tựa cái gì khác mà tự mình phải nương tựa chính mình, tự mình làm cồn đảo cho mình, tự mình hãy sáng lên, đừng nhảy vào cuộc phi lý nữa. Tự mình sống lại với tánh giác của mình”.
Tại sao chúng ta phải tâm niệm như vậy?
Bởi vì vô minh rất nguy hiểm, nó là mấu chốt của vấn đề luân hồi sinh tử.
Nếu chúng ta không dừng lại, không mạnh dạn tiến lên, thì sẽ bị nó dẫn đi trong sanh tử mãi.
Hiểu và hành được như vậy mới đúng với chân tinh thần của người tu Phật.
Chúng ta là đệ tử của Phật, chớ không phải đệ tử của ma, nên quyết không để vô minh lôi kéo.
Con Phật thì phải có trí tuệ sáng suốt, không được mất bình tĩnh, không được mất mình, đầy đủ tư lương trên đạo lộ về quê nhà.
Nhiều vị sợ chỉ ngồi tu, không lo toan cho cuộc sống thì không có cơm ăn, không có cái này cái kia làm sao tu được? Không phải như vậy. Những thứ ấy cũng giúp cho chúng ta, nhưng chỉ là phương tiện, là phần phụ thôi.
Người tu còn có cái cao quí hơn nữa, đó là trí tuệ sáng, là công phu thiền định, là sự nghiệp giác ngộ giải thoát.
Chúng ta không thể nào tu lơ mơ qua ngày, mà trong từng phút giây phải có sự dứt khoát.
Mỗi khắc một thời gian đều quí báu để chúng ta thực sự trở về, sống lại với cái chân thật của mình.
Làm sao phát huy và bảo quản được tính giác, tất cả mọi công đức đều phát sinh từ đó.
Tóm lại, người tu phải tự tin tâm mình, phải là người can đảm phi thường, cần cù liên tục, chưa thành Phật thì chưa nói chuyện rồi.
Đừng nghĩ một đời này hay hai ba đời gì, người tu không nói kiếp số.
Bao giờ quí vị phát tâm như vậy sẽ thấy cuộc đời tu hành của mình phấn khởi lạ thường, vì không có gì cản trở mình được hết.
Dù chúng ta gặp những chướng ngại nhưng đã chuẩn bị cho mình một tinh thần như vậy, chắc chắn sẽ vượt qua dễ dàng.
Mục đích rốt ráo của chúng ta là tu hành giác ngộ để được an vui vĩnh viễn, chấm dứt phiền não khổ đau. Đó cũng chính là mùa xuân bất diệt không có thời gian và không gian giới hạn.
Ở đó đất tâm luôn trổ những đóa hoa ngát hương thơm của trí tuệ và từ bi.
Cho nên để có một mùa xuân miên viễn, xin mời tất cả hãy phá tan cánh cửa nhân ngã thị phi, cầm kiếm trí tuệ xông thẳng vào đất tâm thênh thang.