Translate into Other Languages
Phật Giáo Việt Nam
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa
Khi nói đến trí tuệ, nhiều người tưởng lầm trí tuệ theo nghĩa trong đạo Phật cũng như sự thông minh hiểu biết của thế gian, nhưng chỉ khác là trí tuệ của Phật rộng rãi, sáng suốt hơn. Thật ra, sự thông minh hiểu biết của thế gian và trí tuệ của Phật có nhiểu điểm sai khác.
Do sự sai khác đó, giáo lý kinh điển Phật giáo phân biệt hai thứ trí tuệ: Trí-tuệ thế gian và trí-tuệ trong đạo Phật.
1. Trí Tuệ Thế Gian
Là cái biết của thế gian, cái biết còn nhiều sai lầm, sơ sót khiến cho người ta cứ trôi lăn mãi trong ba cõi sáu đường.
Trí-tuệ thế gian có thể chia làm hai thứ:
♦ Có thứ thông minh láu lỉnh, thấy rộng biết nhiều, nhưng bất thiện; nó chỉ biết phụng sự cho dục vọng, ích kỹ, thỏa mãn bản ngã hẹp hòi, làm tay sai cho cái ác. Cái biết nầy thật là nguy hiểm hơn cả cái ngu si nữa, vì nó làm cho con người mất hết cả lương tri, ác hơn cầm thú. Cho nên Đức Phật bảo rằng cái thông minh nầy là một cái nạn lớn trong tám nạn.
♦ Có thứ thông minh mẫn tiệp, hiểu biết đâu là thiện nên làm, đâu là ác nên tránh, biết làm những điều lợi ích cho nhân quần xã hội. Tuy thế cái biết này không giúp cho con người thoát ra ngoài vòng khổ não, luân hồi. Vì thế cho nên gọi là trí-tuệ thế gian.
2. Trí Tuệ Trong Đạo Phật
Có hai thứ:
1. Hữu Lậu Trí: cái trí chưa có năng lực đoạn các phiền não hữu lậu. Nghĩa là trong lúc ở địa vị phàm phu tu nhơn, tuy dùng trí-tuệ quán sát thân bất tịnh, thọ là khổ, tâm vô thường pháp vô ngã, nhưng rồi lúc nào cũng thấy là tịnh, là vui, là thường là thật ngã, còn bị phiền não hữu lậu lấn áp, không thể phá trừ được.
2. Vô Lậu Trí: cũng gọi là Bát nhã trí; Trí nầy đã phá trừ các phiền não hữu lậu, đạt đến chỗ rốt ráo thanh tịnh, nhưng chỉ khi đặng thánh quả mới có, trí nầy có hai phần:
♦ Về phương diện “thể” tức là căn bản trí, cũng gọi là thật trí, vô phân biệt trí, như lý trí, chơn trí … Kinh nói: “Như Lai dùng căn bản trí (vô phân biệt trí) duyên chơn như, tâm và cảnh không hai, không có năng sở”, hay nói: “Dùng thật trí thấy rõ thật tướng của các pháp”.
♦ Về phương diện “dụng”, tức là hậu đắc trí. Sau khi đặng căn bản trí rồi mới có trí nầy, cũng gọi là quyền trí, sai biệt trí. Kinh nói: “Đức Như Lai dùng quyền trí, thấu rõ các pháp sai biệt, giáo hóa chúng sanh”.