Lục độ: Sáu pháp vượt bờ!

Translate into Other Languages
Phật Giáo Việt Nam
Thích Hạnh Tuệ

Một trong những hành pháp tiêu biểu của Đại thừa là Lục độ. Tư tưởng lục độ Bồ tát ảnh hưởng vô cùng lớn đến mọi mặt của đời sống Phật giáo Việt Nam gần 2000 năm nay.

Hiện nay ở Việt Nam ta có nhiều truyền thống Phật giáo, nhiều tông phong thiền phái Bắc tông Đại thừa, Nam tông kinh, Nam tông Khmer, Khất sĩ… nhưng rõ ràng tinh thần Đại thừa vẫn là dòng chủ lưu. Mà một trong những hành pháp tiêu biểu của Đại thừa là Lục độ. Tư tưởng lục độ Bồ tát ảnh hưởng vô cùng lớn đến mọi mặt của đời sống Phật giáo Việt Nam gần 2000 năm nay.

Lục độ (六 渡) tức Lục Ba la mật 六波羅蜜 (chữ Phạn Ṣaṭ parāmitā; có nghĩa là vượt qua đến bờ bên kia, tức là chỉ cho sáu phương pháp để Bồ tát tu tập đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn; Parāmitā còn có nghĩa là tuyệt đối, hoàn toàn, thành tựu rốt ráo.

Theo kinh Diệu pháp liên hoa thì sáu pháp cao thượng hoàn hảo là:

♦ Bố Thí ba-la-mật (zh. 布施波羅蜜, sa. dāna-pāramitā): Sự hoàn hảo trong việc hiến tặng, cúng dường tài vật cho người khác.

Bố thí trọn vẹn là sự cho tặng giúp đỡ chúng sanh, con người với tâm hoàn toàn trong sạch vô tư, không dính mắc người cho, kẻ nhận và vật cho.

♦ Giới ba-la-mật (戒波羅蜜, sa. śīla-pāramitā): sự hoàn hảo trong việc nghiêm túc giữ giới luật. Trong Phật giáo là các giới cho cư sĩ, các giới cho tăng ni và Bồ tát giới dung thông. Sự giữ các giới đã thọ nhận một cách trong sạch trọn vẹn và không tự mãn cố chấp.

♦ Nhẫn ba-la-mật (忍波羅蜜, sa. kṣānti-pāramitā): sự kham nhẫn, nhẫn nại hoàn hảo trọn vẹn.

♦ Tinh Tấn ba-la-mật ( 精進波羅蜜, sa. vīrya-pāramitā): Siêng năng, cố gắng, kiên trì một cách trọn vẹn liên tục và hoàn hảo.

♦ Thiền ba-la-mật (zh. 禪波羅蜜, sa. dhyāna-pāramitā): Sự trọn vẹn hoàn hảo trong việc thực hành thiền, đạt thiền.

♦ Trí Tuệ ba-la-mật (慧波羅蜜, sa. prajñā-pāramitā): trí tuệ hoàn hảo thấu rõ như thật về vạn pháp, đạt đến chân lý, thông suốt tâm tông.

Ở Việt Nam, kinh Lục độ tập giảng về Lục độ vô cực được đại sư Tăng Hội và các pháp hữu đệ tử truyền bá tại Giao Châu hồi đầu Công nguyên ghi: “Chư Phật biết chúng sanh khó theo kịp hạnh cao, nên vì họ nói Sáu độ vô cực của Bồ-tát đề họ mau được thành Phật.

Sao gọi là sáu? Một là Thí độ vô cực, hai là Giới độ vô cực, ba là Nhẫn nhục độ vô cực, bốn là Tinh tấn độ vô cực, năm là Thiền độ vô cực, sáu là Minh độ vô cực. Các kinh Giảng về Lục độ có nhiều như Lục độ tập kinh, Lục Ba-la-mật kinh, Đại bát nhã, Luận Đại trí độ, Pháp hoa…

Từ góc độ xây dựng nhân cách phẩm chất, năng lực con người cho đất nước, cho dân tộc thì mẫu người lý tưởng nhất là rèn luyện được sáu phẩm chất theo tinh thần của Phật giáo qua Lục độ tập kinh: Lòng thương, lòng nhân luôn quan tâm giúp đỡ người khác; Sống có nguyên tắc kỷ luật và trách nhiệm; Luôn kiên trì nhẫn nại; Siêng năng cố gắng trong mọi công việc ; Ý chí nội tâm mạnh mẽ, dũng cảm vững vàng; Luôn có trí tuệ sáng suốt nhìn nhận mọi sự việc một cách rõ ràng thấu đáo như thật.

Có thể nói tiêu chuẩn rèn luyện bồi dưỡng sáu phẩm chất này cho người dân là lý tưởng nhất để đáp ứng được yêu cầu xây dựng một quốc gia độc lập tự chủ không chỉ phù hợp với thời bấy giờ mà còn phù hợp với xã hội hiện đại ngày nay.

Tóm lại đây là sáu pháp quan trọng, cao thượng, rốt ráo mà các Phật tử/ hành giả/ Bồ tát tu tập, gần thì nâng cao phẩm chất đạo đức trí tuệ, rốt ráo thì thành Phật, cứu độ chúng sanh vượt thoát khổ đau trong sanh tử luân hồi.

Pháp bố thí

Nghiêm trì giới

Nhẫn nhục, tinh tấn

Thiền định, trí tuệ

Độ chúng sanh.