Translate into Other Languages
Phật Giáo Việt Nam
Hòa Thượng Thích Thông Phương
Tất cả quý Phật tử học Phật pháp lâu rồi nhưng có thấy được chân giáo pháp chưa?
Nếu học Phật pháp theo kiểu lật từng trang kinh này qua trang kinh nọ, hay là nhai từng lời của những vị Tổ này đến những vị Tổ nọ, hoặc là nghe buổi giảng này đến buổi giảng kia v.v…thì quý vị có thấy chân giáo pháp không?
Mà nếu không thấy thì nghe giảng để làm chi?
Cho nên đây phải nhớ: giảng giải là chỉ nói về pháp thôi!
Quý vị nhớ kĩ điều đó, quý thầy giảng dù cho hay cách mấy đi nữa cũng chỉ là nói về pháp, còn chân giáo pháp thì không có nằm ở trong những lời giảng đó mà nó nằm ở trong cuộc sống hằng ngày hay là ngay trong tự tâm của mỗi người.
Do đó, nếu chỉ bám vào những lời giảng đó thì không thể thấy nổi, mà ở đây mỗi vị phải khéo làm sao thấu qua những lời giảng, lắng lòng nghe trở lại nơi chính mình để thấy đến chân giáo pháp thì mới là khéo!
Quý vị nhìn lại nơi thân mình bây giờ xem, so với lúc còn bé thì nó thế nào?
Đi vào thực tế, mới sanh ra mình có mấy kí lô mà bây giờ thì tới mấy chục kí lô, đó là pháp đấy!
Kế nữa, chỗ mà quý vị ngồi ở đây trước kia là chỗ của Tăng Ni ngồi chứ không phải là chỗ quý vị ngồi.
Vậy thì sao bây giờ mình lại ngồi đây?
Đó cũng là thấy pháp, chứ không phải là mình thấy trong chữ nghĩa.
Rồi buổi học này bây giờ thì tập hợp đông đảo như vậy nhưng qua mười một giờ thì sao?
Thấy được điều đó là thấy pháp rồi.
Như vậy, pháp hiện hữu khắp nơi trong cuộc sống hằng ngày, thấy như vậy thì mới đúng là thấy pháp.
Rồi quý vị đi đường hay là đi ra vườn mà bất ngờ đạp phải cây gai thì thế nào?
Thì đó là thấy pháp, còn nếu không thấy pháp thì thấy đau!
Rồi vừa mở mắt chào đời thì vì sao liền khóc “oa oa” mấy tiếng?
Thấy được điều đó là thấy pháp.
Cái thân mình đây bữa nay sao nó nhức đầu quá, mà mình thì đâu có muốn nó nhức đầu.
Thì đó là thấy pháp, tức là thấy được nó là vô thường, khổ, vô ngã.
Khéo học như vậy thì sẽ thấy được pháp chân thật (chân giáo pháp), nếu tập nhìn kiểu này thì mình sẽ luôn luôn thấy pháp ở khắp nơi chứ không phải chỉ ở trong buổi giảng hoặc lên bàn Phật đọc kinh mới thấy.
Mà nếu thấy pháp hiện hữu khắp nơi được như vậy thì chắc chắn là sẽ bớt phiền não, bởi toàn lo thấy pháp thì đâu có thấy phiền não, còn mình thì chỉ lo thấy phiền não nên thành ra không thấy pháp.
Cái pháp này mình không phải nhọc nhằn tìm ở trong sách vở cũng như không phải đợi lên lớp, mà nó ở ngay trong cuộc sống hằng ngày đây.
Cho nên, học là để mình thấy đến pháp chân thật chứ không phải là chỉ thấy trên những lời lẽ chữ nghĩa.