Phải Khéo Sống Để Tránh Nhân Quả Xấu!

Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Hòa Thượng Thích Thông Phương


Quí Phật tử xét kỹ xem ai đã đem quả báo xấu ác đến cho mình? Chính mình tự tạo thôi. Mình tạo cái nhân xấu trước rồi quả xấu đó mới đến với mình. Như vậy mới nói chính mình làm khổ mình mà lại không hay.

Trong kinh Pháp Cú Phật dạy:

Người ngu si thiếu trí,
Tự ngã thành kẻ thù,
Làm các nghiệp không thiện,
Phải chịu quả đắng cay.

Người ngu si thiếu trí tuệ biến tự ngã của mình thành kẻ thù, lại tưởng kẻ thù của mình ở bên ngoài nhưng chính mình là kẻ thù của mình đó.

Biến tự ngã mình làm kẻ thù của mình là sao? Là tự mình làm nghiệp không thiện để rồi chịu quả khổ, quả đắng cay.

Tự mình đem đau khổ lại cho mình chứ không phải người ngoài đem đau khổ lại cho mình. Nghĩa là tạo nghiệp xấu, gây đau khổ cho người thì quả đau khổ đó sẽ trả lại cho mình. Như vậy không lo tự trách mình lo trách ai.

Quí Phật tử xét kỹ xem ai đã đem quả báo xấu ác đến cho mình? Chính mình tự tạo thôi. Mình tạo cái nhân xấu trước rồi quả xấu đó mới đến với mình. Như vậy mới nói chính mình làm khổ mình mà lại không hay. Đã hiểu như vậy rồi thì phải khéo sống để tránh nhân quả xấu. Tránh đau khổ cho mình cũng là thấy được oan trái rất là đáng sợ.

Nên người khéo tu thì không kết oan trái thêm với người mà phải cởi mở. Phải tập sống có tâm từ, bớt gây hờn, gây hận, cũng không đem oán hận đến cho người. Đây Phật dạy rất rõ, chính mình tự biến mình thành kẻ thù của mình chứ không ai khác.

Ngài Đạt Lai Lạt Ma cũng có dạy cách giải tỏa những oán hờn: “Đây là cách để biết được cái kẻ thù đích thực đang nằm trong lòng chúng ta, đâu phải ở bên ngoài. Đừng lo tìm bên ngoài mà phải soi lại để thấy rõ nó nằm ngay trong lòng mình đó. Đó chính là tính ích kỷ, lòng quyến luyến và sự tức giận của chúng ta”.

Nó chính là kẻ thù trong lòng mình, gây đau khổ cho mình, vậy mà chỉ lo nhìn bên ngoài. Ngài bảo chúng ta nên biết: “khả năng kẻ thù gây ra cho chúng ta rất là hạn hẹp. Nếu người nào đó thách thức kích động chúng ta thì chúng ta nên kiềm chế lại không tức giận, tập lâu rồi thuần thục sẽ không còn tức giận, dù người đó có làm gì thì cũng không thể gây hại cho chúng ta.

Trái lại, khi họ gây những cảm giác vô cùng tức giận, hay chính lòng ham muốn của ta xuất hiện thì chúng tạo nên sự rối loạn trong tâm hồn chúng ta. Tâm khởi lên sự tức giận nào đó thì ta sẽ cảm thấy bất an trong tâm mình. Ngay lúc đó chúng phá hoại sự an lạc trong tâm, cũng như tạo nên sự buồn phiền hủy diệt công đức tu hành của chúng ta”.

Rõ ràng kẻ thù ở ngay trong lòng mình chứ không ở đâu xa. Nghĩa là khi tức giận không kiềm chế được làm hành động đáp trả lại thì chính khi đó ta đã tự hủy diệt công đức tu hành của mình. Như tu một tháng mà khi nóng giận chửi người ta chừng một tiếng đồng hồ thì sao? Thì công phu một tháng sẽ tiêu hết phải không?

Rõ ràng nếu làm như vậy thì đúng là mình hại mình. Mình hại mình trước chứ đâu có ai hại mình. Và mỗi khi mình tức giận ai đó thì mình cứ tưởng người ta khổ chứ sự thật thì mình khổ trước. Khi mình tức giận thì trong tâm bứt rứt, sôi sục tự đốt mình, là mình khổ trước người ta rồi.

Thấy được điều đó thì chúng ta phải giải tỏa chứ không kết thêm, phải biết kiềm chế. Cho nên, mỗi người phải tu tập cái tâm, thấy rõ oán hận là khổ không chút nào vui hết.

Cho nên, đừng nghĩ rằng mình giận ai đó là giận cả đời, nhiều khi chúng ta hiểu lầm nói giận ai đó là giận cả đời không quên, tưởng đâu như vậy là hay, nhưng đâu phải vậy.

Nếu mà giận cả đời là khổ cả đời luôn. Lâu lâu gặp người đó thì sao? Mình khổ trước thôi.

Quí vị nghĩ, sống trên đời này mà giận cả đời chừng 20 người thì sao? Thì mình ít khi cười được lắm! Lâu lâu ngồi nhớ lại chuyện giận hờn thì làm sao cười được? Rồi lâu lâu nghĩ đến anh kia thật là đáng tức, chị kia thật đáng hận… Vậy là cả ngày sẽ không có nụ cười.

Nên Phật dạy “Oán tắng hội khổ”. Người không ưa mà cứ gặp hoài thì khổ. Chúng ta phải tu tập tâm xả để cởi mở bớt thì đó là cái hạnh đưa đến an vui. Còn kết hờn kết oán thì chỉ làm khổ, khổ mình mà khổ cho người nữa.