Chỉ Có Nghiệp Theo Ta!

Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Hòa Thượng Thích Thanh Từ


Kinh Phật ví dụ một Trưởng giả có tất cả bốn bà vợ.

  • Người vợ thứ nhất rất trung thành với ông, thế mà suốt ngày ông không hề nghĩ tới.
  • Người vợ thứ hai được ông lưu ý chút ít.
  • Người vợ thứ ba được ông nhắc nhở liền miệng.
  • Người vợ thứ tư thì ông ở đâu bà có mặt ở đó, không rời một gang tấc.

Một hôm ông đau nặng sắp chết, hỏi cả bốn người vợ: Tôi sắp chết, trong bốn bà có ai nguyện chết theo tôi không ?

♦ Vợ thứ tư lên tiếng: Bình thường ông ở đâu thì tôi có mặt ở đó, bây giờ ông chết tôi xin đưa ông tới cửa.

♦ Vợ thứ ba lên tiếng tiếp: Bình thường tôi được ông lưu ý nhắc nhở liền miệng, bây giờ ông chết tôi xin đưa ông tới cổng.

♦ Vợ thứ hai nói: Bình thường tôi cũng được ông nhắc nhở, bây giờ ông chết tôi xin đưa ông tới mộ.

♦ Vợ thứ nhất nói: Bình thường tuy ông không nghĩ tới tôi, nhưng bây giờ ông chết, tôi nguyện chết theo ông.

Quí vị thấy ông Trưởng giả quá bất công và bội bạc, người thương mình, trung thành với mình thì lơ là không nghĩ đến, người thương ít thì luôn luôn theo dõi không rời.

Ông Trưởng giả bất công bội bạc này Phật dụ cho mỗi chúng ta.

  • Người vợ thứ tư Phật dụ cho tiền bạc. Chúng ta ở nhà, hay đi đâu đều có tiền trong túi không thể thiếu nó. Nhưng khi chúng ta chết thì nó nằm trong tủ, hoặc ở nơi rương thuộc phạm vi trong nhà, vì vậy mà nói đưa tới cửa.

  • Người vợ thứ ba dụ cho của cải sự nghiệp nhà cửa; nó ở trong phạm vi vòng rào nhà, nên nói đưa tới cổng.

  • Người vợ thứ hai dụ cho công danh chức tước; khi đưa quan tài người chết tới huyệt thì đọc điếu văn kể công trạng chức tước rồi mới hạ huyệt chôn cất, nên nói đưa tới mộ.

  • Người vợ thứ nhất dụ cho nghiệp lành hay nghiệp dữ theo mình như hình với bóng, có mình ở đâu thì có nó ở đó không rời nhau, nên nói tình nguyện chết theo.