Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Minh Nguyệt
Con người luôn truy cầu danh lợi vốn là để được hạnh phúc, vui vẻ; nhưng rất nhiều người vì truy cầu không được lại đánh mất niềm vui và niềm hạnh phúc vốn có. Đây là cái vòng luẩn quẩn của kiếp người.
4 câu ngạn ngữ tổng kết quy luật lịch sử của nhân loại
Wittke là nhà lịch sử học nổi tiếng người Đức. Ông từng tổng kết lịch sử nhân loại bằng 4 câu ngạn ngữ của Đức như sau:
1. Trời muốn diệt ai, trước tiên sẽ để họ bành trướng.
2. Thời gian là cái sàng, cuối cùng sẽ đào thải tất cả những thứ cặn bã.
3. Ong mật trộm hoa, kết quả lại khiến hoa nở rộ hơn.
4. Bầu trời càng u ám, lại càng có cơ hội nhìn thấy ánh sáng của các vì sao.
Suy Ngẫm:
Thế gian hỗn độn, vàng thau lẫn lộn, thực giả khó lường. Những chuyện trước mắt tưởng như là đúng, hóa ra lại là sai. Vậy nên người biết nhìn xa trông rộng sẽ không bị mê hoặc bởi cảnh tượng trước mắt.
Bởi vì mỗi chúng ta đều không nằm ngoài quy luật nhân – quả, gieo quả ngọt thì hái trái ngọt và ngược lại. Vậy nên, những người hiện giờ đang chiếm ưu thế, có thể lấn lướt người khác, dùng tiền bạc và quyền thế ức hiếp những người lương thiện thì chưa thể sớm mỉm cười đắc ý. Những người thiện lương, đức hạnh dẫu gặp phải kiếp nạn cũng sớm ngày đón được ánh bình minh rạng rỡ.
Binh sỹ động lòng trắc ẩn với chú nhện đốt mình
Một binh sỹ sau khi bị quân địch đột kích đã trốn vào trong hang núi. Quân địch đuổi sát ngay phía sau, cậu ta nhanh chân trốn vào trong động và cầu Trời khấn Phật đừng để mình bị quân địch phát giác. Đột nhiên một cánh tay của cậu bị đốt đau nhói. Hóa ra là một con nhện.
Cậu định tiện tay vê nát nó, nhưng đột nhiên lại động lòng trắc ẩn bèn thả con nhện đi. Không ngờ chú nhện chui vào trong động lại thoăn thoắt dệt nên một cái mạng mới. Quân địch đuổi sát vào trong động nhìn thấy một cái mạng nhện vẫn còn nguyên vẹn, bèn đoán rằng trong động không có ai và kéo nhau rời đi.
Suy Ngẫm:
Nhiều khi, giúp đỡ người khác cũng là đang giúp chính mình, bao dung với người khác lại là đang vun trồng cây uy đức cho mình về sau. Những câu nói như: “Có đức mặc sức mà ăn”, “Người lành trời dành phúc cho” tuy giản dị nhưng lại ẩn chứa nội hàm và trí tuệ sâu sắc của con người.
Hòa thượng trước và sau khi đắc Đạo
Một vị hành giả hỏi Hòa thượng: “Trước khi đắc Đạo ngài làm gì?”.
Lão Hòa thượng trả lời: “Chặt củi, gánh nước, nấu cơm”.
Vị hành giả lại hỏi: “Vậy sau khi đắc Đạo thì sao?”.
Hòa thượng nói: “Chặt củi, gánh nước, nấu cơm”.
Hành giả lại hỏi: “Như vậy nghĩa là đã đắc Đạo rồi sao?”.
Hòa thượng già trả lời: “Trước khi đắc Đạo, khi chặt củi thì ta nhớ đến gánh nước, khi gánh nước ta lại nhớ đến nấu cơm. Sau khi đắc Đạo, chặt củi là chặt củi, gánh nước là gánh nước, nấu cơm là nấu cơm thôi”.
Suy Ngẫm:
Đại đạo chí giản, tâm bình thường chính là Đạo. Con người hiện đại luôn hối hả không ngừng với những lịch trình bận rộn. Khi quá nhiều ước vọng theo đuổi, những thứ ngoài thân như vật chất, tình yêu thương của người khác sẽ chỉ khiến tâm bạn rối bời và mệt mỏi. Chỉ khi ham muốn ít đi, đặt trọn trái tim mình vào những việc đang làm, bạn mới có thể sống trọn vẹn để trải nghiệm và yêu thương cuộc sống.
Ai thông minh hơn?
Sư phụ hỏi: “Nếu con muốn đun sôi ấm nước nhưng đun được nửa chừng thì phát hiện ra rằng củi không đủ dùng, con sẽ làm thế nào?”.
Một đệ tử mau mắn nói: “Con sẽ nhanh chóng đi tìm ạ”.
Cậu đệ tử khác lại đáp: “Con đi mượn tạm cho nhanh”.
Cậu khác không đồng tình nói: “Nếu là con, con sẽ đi mua”.
Sư phụ mỉm cười hiền từ hỏi: “Thế sao các con không đổ bớt nước trong ấm đi?”.
Suy Ngẫm:
Sự đời thường không thể vạn phần như ý, có xả bỏ mới đắc được. Con người sống trên thế gian ai nấy đều truy cầu hạnh phúc. Chẳng thế mà thiên hạ thi nhau đắm chìm cuộc đua danh vọng, tiền tài. Nhưng tham vọng như cái thùng không đáy, chẳng bao giờ vơi cạn. Con người cứ mải miết chạy theo những thứ mình kỳ vọng sẽ mang lại hạnh phúc nhưng luôn thất vọng hết lần này tới lần khác.
Kỳ thực hạnh phúc không phải ở nơi xa hoa hay nơi tình yêu lãng mạn. Nó luôn ở trong tâm hồn mỗi người. Chỉ cần sống đơn giản hơn và ít truy cầu hơn, bạn sẽ hạnh phúc hơn những gì mình mong nghĩ. Những mẩu chuyện nhân sinh ngắn ngủi nhưng lại hàm chứa đạo lý sâu xa sẽ phần nào giúp ta nhìn rõ hơn hướng đi trong cuộc sống thực tế. Bởi lẽ để rút ngắn con đường đi tới thành công và hạnh phúc, người thông minh sẽ học từ trải nghiệm của người khác.
Lời Phật dạy: Muốn ít biết đủ, vạn sự tùy duyên thì hưởng phúc
Muốn ít biết đủ và sống đơn giản đó là chân lý nhiệm mầu của Phật-đà. Người Phật tử chân chính dù có phương tiện vật chất đủ đầy nhưng vẫn không thừa hưởng hết mà đồng thời sẻ chia, giúp đỡ mọi người. Chúng ta hãy nên sống đơn giản, ít truy cầu, vạn sự tùy duyên thì hưởng phúc.
Trong Kinh A Hàm Phật dạy: “Người gây nhân bất thiện, trước hoặc sau họ biết tu thân, tu giới, tu tâm thì quả sẽ đổi thay. Nếu người gây nhân bất thiện mà không biết tu thân, tu giới, tu tâm thì gây nhân nào sẽ thọ quả nấy. Đó là nhân nào quả nấy và gây nhân mà biết chuyển nghiệp thì quả cũng đổi thay”.
Nói xong, Phật đưa ra một ví dụ để chứng minh nhân quả xấu có thể thay đổi được, một nắm muối nếu hòa tan trong ly nước lạnh thì ly nước ấy sẽ mặn không thể uống được. Cũng nắm muối đó, nếu hòa tan trong bình nước lớn có sức chứa khoảng hơn trăm lít, thì nước trong bình sẽ uống được, nhưng vị nước hơi mặn mặn. Và nếu nắm muối đó được hòa tan trong một ao nước lớn gấp năm mười lần bình kia, nước sẽ không còn mặn, chúng ta có thể dùng xài bình thường.
Tâm an vui, thân khỏe mạnh là quan trọng nhất và tới đây, nhu cầu vật chất còn rất ít. Đức Phật đã thể hiện lý này cho chúng ta thấy trong cuộc sống giáo hóa độ sanh của Ngài, Phật đi khất thực bữa có thức ăn, bữa không có gì thì Ngài nhịn và sống trong Thiền định.