Trích Từ: Thư Viện Hoa Sen
Hoang Phong
Đọc Hàng Ngày ~ Lời Dạy 29 – 32
29. Khổ đau không phải là phi lý và cũng không phải là vô ích, đơn giản đấy chỉ là kết quả của nghiệp mà thôi, đấy là quy luật nguyên nhân và hậu quả chi phối các chu kỳ hiện hữu. Thật hết sức khó để hiểu được điều này nếu không tin vào hiện tượng tái sinh. Tư duy và hành động của mình từ những kiếp sống quá khứ sẽ tạo ra hậu quả – có thể là tích cực hay tiêu cực, tất cả đều tùy thuộc vào động cơ thúc đẩy làm phát sinh ra chúng. Nguyên tắc ấy lúc nào cũng đúng, đối với bất cứ một dân tộc nào hay trong một xứ sở nào. Những gì xảy ra với dân tộc Tây Tạng là kết quả của nghiệp. Thế nhưng tuyệt nhiên điều đó không có nghĩa là không được phép tìm cách tái lập nhân quyền ở Tây Tạng, cũng như tín ngưỡng, nền triết học đặc thù và văn hoá ngàn năm, tiêu biểu cho nền văn minh của chúng tôi phải được tôn trọng. Không nên nhầm lẫn nghiệp với định mệnh, mà phải rút tỉa kinh nghiệm từ các bài học trong cuộc sống hầu giúp mình biết hành động một cách tích cực và có trách nhiệm hơn.
30. Làm thế nào để có thể phát triển hoà bình trên thế giới nếu không biết kính trọng thiên nhiên? Tất cả chúng ta, từ con người cho đến muôn thú, đều gắn bó với nhau trong cùng một ước vọng mang tính cách toàn cầu ấy là xa lánh khổ đau và tạo được những điều kiện thuận lợi hầu mang lại cho mình một cuộc sống tốt đẹp và an lành. Điều hết sức quan trọng cần phải luôn tự nhắc nhở mình là sự mong muốn thoát khỏi khổ đau chính là quyền căn bản nhất của tất cả chúng sinh có giác cảm. Nhằm giúp mọi người biết tôn trọng đặc quyền ấy chúng ta phải tự biến cải lấy chính mình trước hết để làm gương cho kẻ khác.
31. Luyện tập để phát động lòng từ bi là tâm điểm của con đường Phật Giáo. Phát huy phẩm tính ấy là một điều thật cần thiết, bởi vì nó sẽ giúp chúng ta hành động một cách đúng đắn hơn vì sự an vui của kẻ khác và cũng giúp mình hiểu được phải làm thế nào để không tạo ra thêm cội nguồn mang lại khổ đau cho mình và cho những khác, tức là không tạo ra thêm nghiệp “xấu”. Từ bi là một thứ xúc cảm thật sâu xa hướng vào tất cả những người đang phải gánh chịu khổ đau, không chút mảy may phân biệt. Lòng từ bi phát sinh từ ước vọng sâu xa được giúp đỡ kẻ khác. Nếu một người tu hành Phật Giáo muốn duy trì được sức mạnh của niềm ước vọng đó thì hằng ngày phải tự nhắc nhở mình bằng câu sau đây: “Cầu mong sao cho tôi có thể giúp đỡ được tất cả chúng sinh có giác cảm loại trừ được khổ đau và cả cội nguồn gây ra khổ đau, hầu giúp họ trông thấy được đâu là các nguyên nhân và điều kiện mang lại cho mình sự giác ngộ.
32. Tất cả chúng ta đều mong muốn được hạnh phúc, không một ai muốn gánh chịu khổ đau. Nếu muốn biến cải tâm thức mình thì thật hết sức quan trọng là phải hiểu được điều đó. Khi nào ý thức được hiện thực ấy thì tức khắc một niềm quý mến bao la và một tình thương cảm mênh mông đối với đồng loại sẽ hiển lộ trong tâm thức mình. Thế nhưng điều ấy chỉ có thể thực hiện được khi nào chúng ta cũng biết tỏ lộ tình thương và sự kính trọng đối với chính mình. Thật hết sức hão huyền nếu nghĩ rằng mình đủ sức yêu thương kẻ khác trong khi đó thì mình lại thù ghét mình và không chấp nhận thực trạng của chính mình.