Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Như Diệp
Đời người ngắn ngủi. Có những thứ vừa mới xuất hiện hôm qua thôi nhưng hôm nay đã trở thành quá khứ. Trên đời này, mẹ cũng chỉ có một, ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc.
Từ nhỏ cho tới lúc lớn khôn, mẹ luôn là người âm thầm chịu đựng, hy sinh tất cả vì con. Hồi nhỏ khi mà còn hay quấn lấy mẹ. Liệu có ai đã từng nắm lấy bàn tay của mẹ mà cảm thấy chua xót không? Rồi tự hứa với chính mình rằng sẽ phải phấn đấu học hành chăm chỉ để mẹ an lòng. Đôi bàn tay mẹ đầy những vết chai sạn, vết thương cũ lẫn mới cứ thế chồng chéo lên nhau. Vì lo cho đàn con thơ mà không ngại gian khổ.
Khi con lớn lên, va vấp nhiều hơn, gặp gỡ người này, người kia. Cuộc đời thả con tới bến đỗ cuộc đời mình.
Người ta thường nói được nên vợ thành chồng là phải có nhân duyên tiền kiếp. Kiếp này có hẹn ước nên mới tìm đến nhau chung sống để trả nợ.
Phụ nữ khi lấy chồng, về nhà chồng lại gồng gánh lên mình thêm cái nợ tình, thêm đạo làm dâu. Ngoài việc đảm nhiệm tốt chức trách thiêng liêng của người mẹ, người vợ. Phụ nữ còn phải biết hiếu thuận, phụng dưỡng cha mẹ chồng. Học cách đối nhân xử thế với họ hàng, dòng tộc.
Bẵng đi một thời gian tất bật ở một vị trí mới. Liệu có bao nhiêu phụ nữ đã từng nghĩ được rằng, người mình mắc nợ nhiều nhất, người mình nợ hết cả cuộc đời này mà chưa kịp trả hết chính là người mẹ đã sinh ra mình hay chưa?
Thường thì khi làm mẹ rồi phụ nữ mới hiểu thấu tâm can của người làm cha, làm mẹ, mới ý thức được nỗi lòng của người mẹ thương con. Đứng giữa cột mốc gần nửa đời người kỉ niệm mới chợt ùa về khiến lòng thêm thổn thức, mới cảm thấy thương mẹ nhiều hơn.
Những năm tháng xa nhà, sống nơi đất khách quê người. Con chẳng còn thấy những lo toan, mệt nhọc của mẹ. Rồi những khi mẹ ốm đau, mẹ cũng sẽ chẳng than phiền hay gọi điện nói cho con nghe vì mẹ không muốn làm phiền đến cuộc sống riêng của con.
Về già con người thường lầm lũi, cô độc. Bởi vậy ai chẳng mong mỏi có con cháu ở cạnh động viên, trông nom lúc đau ốm.
Và nếu khi cả mẹ chồng và mẹ đẻ cùng ốm thì liệu mấy ai có thể lặn lội xa xôi về được để chăm sóc mẹ đẻ. Âu cũng chỉ là vài cuộc điện thoại hỏi thăm từ xa, rồi gửi một ít quà để mẹ bồi bổ. Thử hỏi rằng người có công dưỡng dục, người mang nặng đẻ đau ra mình mà mình lại không chăm sóc được thì có trái với luân thường đạo lý hay không? Thử hỏi người mà phụ nữ đáng ra phải mắc nợ cả đời này có phải là mẹ đẻ hay không?
Vậy nên, cho dù có làm gì, ở đâu, sống như thế nào. Phụ nữ hãy nên nhớ rằng, người mình mắc nợ cả cuộc đời này chỉ có thể là người mẹ đã sinh ra mình. Về tình về nghĩa thì hãy sống đúng bổn phận, hợp tình, hợp nghĩa. Đối với mẹ đẻ thì đừng nên suy nghĩ, tính toán quá chi li. Hãy chăm sóc mẹ bằng cả trái tim mình.