Tha Thứ Là Hoa Trái của Hiểu Biết

Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Hoà Thượng Thích Nhất Hạnh


Ðôi khi, mặc dù ta muốn tha thứ cho một người, ta không thể làm được. Thiện chí muốn tha thứ có đấy, nhưng sự chua chát và đau khổ cũng còn đấy. Với tôi, tha thứ là kết quả của sự nhìn sâu và hiểu biết.

Một buổi sáng trong văn phòng chúng tôi ở Paris trong thập niên bảy mươi và tám mươi, chúng tôi nhận được nhiều tin buồn. Một bức thư đến, kể rằng một em bé gái mười một tuổi đi trên một chiếc thuyền vượt biển từ Việt Nam, đã bị bọn hải tặc hãm hiếp. Khi người cha cố can thiệp thì chúng nó vứt ông xuống biển. Vì vậy em bé gái cũng nhảy xuống biển và chết đuối. Tôi nổi giận. Là một con người, bạn có quyền nổi giận; nhưng là một người biết thực tập, bạn không có quyền ngưng thực tập.

Tôi không ăn sáng được; tin tức đã tràn ngập tôi. Tôi thực tập thiền hành trong khu rừng kế cận. Tôi cố tiếp xúc với cây, với chim và bầu trời xanh để an tịnh tâm hồn, và rồi tôi ngồi xuống để thiền định. Tôi ngồi thiền khá lâu .

Trong lúc ngồi thiền, tôi thấy mình là một em bé sinh ra trên vùng bờ biển Thái Lan. Cha tôi là một người đánh cá nghèo, mẹ tôi là một người vô học. Quanh tôi đầy cảnh nghèo khó. Khi tôi mười bốn tuổi, tôi phải làm việc cùng với cha tôi trên chiếc thuyền đánh cá để mưu sinh; làm việc rất nhọc nhằn. Khi cha tôi mất, tôi phải làm thay cha tôi để nuôi sống gia đình.

Một người đánh cá tôi quen cho tôi biết rằng nhiều thuyền nhân Việt Nam đi vượt biên, mang theo nhiều của quý, như vàng và nữ trang. Anh ta đề nghị rằng nếu chúng tôi chận đánh chỉ một trong những chiếc thuyền ấy và lấy được một số vàng thì chúng tôi sẽ giàu. Là một người đánh cá nghèo, còn trẻ, không có học thức, tôi bị anh ta cám dỗ. Và một hôm tôi quyết định đi theo anh ta để cướp thuyền nhân. Khi tôi thấy anh ta hiếp một người đàn bà trên thuyền, tôi cũng bị cám dỗ làm theo. Tôi nhìn quanh và khi thấy không có gì ngăn cản, không cảnh sát, không ai hăm dọa; tôi tự nói: “tôi cũng làm như vậy được, chỉ một lần thôi.” Ðó là vì sao tôi trở thành một tên cướp biển đi hãm hiếp một em bé gái.

Bây giờ giả sử bạn ở trên thuyền đó và bạn có một cây súng. Nếu bạn bắn tôi và giết tôi, hành động của bạn sẽ không giúp gì được tôi. Suốt đời tôi, không ai giúp tôi và suốt đời cha mẹ tôi cũng không ai giúp ông bà. Là môt đứa bé, tôi không được đi học. Tôi chơi với những đứa trẻ hư hỏng, và lớn lên tôi thành một người đánh cá nghèo khổ. Không một nhà chính trị hay giáo dục nào giúp tôi bao giờ. Và vì không ai giúp nên tôi trở thành một tên cướp biển. Nếu bạn bắn tôi thì tôi chết.

Ðêm ấy, tôi thiền quán về điều này. Tôi lại thấy mình là một chàng đánh cá trẻ trở nên một tên hải tặc. Tôi cũng thấy hàng trăm em bé sinh ra đêm ấy trên vùng dọc theo bờ biển Thái lan. Tôi nhận thấy rằng nếu không ai giúp những em bé này lớn lên có học vấn và có cơ hội sống đời sống đứng đắn, thì trong vòng hai mươi năm nữa, những em bé này cũng sẽ thành những tên hải tặc. Tôi bắt đầu hiểu rằng nếu tôi sinh ra làm một chú bé trong làng đánh cá ấy, tôi cũng đã trở thành một tên hải tặc. Khi tôi hiểu được như vậy cơn giận của tôi đối với những tên hải tặc tan biến mất.

Thay vì nổi giận chàng đánh cá, tôi cảm thấy có lòng từ bi đối với anh ta. Tôi nguyện nếu tôi có thể làm được gì để giúp những em bé sinh ra đêm ấy trên vùng bờ biển Thái lan, thì tôi sẽ giúp. Năng lượng của cơn giận đã được chuyển hóa thành năng lượng của từ bi nhờ thiền quán. Ta không thể tha thứ nếu không hiểu biết, và hiểu biết là hoa trái của sự nhìn sâu mà tôi gọi là thiền quán.