Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Thượng Tọa Thích Chân Quang
Người nào sâu sắc quá mà không độ lượng, thì nhìn đâu cũng thấy cái dở của người khác, trong tâm tối ngày cứ hay chê thiên hạ. Mà chê trong tâm còn đỡ, nếu chê ra miệng là bắt đầu gây rối, làm cho người này buồn, người kia phiền, và chính mình cũng tổn phước.
Một cặp tâm ổn định thường đi đôi với nhau là kỹ lưỡng và độ lượng. Hai tâm này đi đôi với nhau mới tạo thành đạo đức, chứ tách riêng ra thì chưa tạo thành đạo đức.
Kỹ lưỡng, sâu sắc mà độ lượng – nghĩa là, người nào có cặp tâm lý này đi chung, thì họ là người rất sắc bén, nhìn vấn đề từng ly, từng tí: nhúc nhích một ngón tay, ngón chân sai cũng biết; một ánh mắt nhìn hay một tâm niệm gì mới khởi lên là họ cũng biết và đánh giá được là đúng hay sai, tội hay phước. Họ kiểm soát chính họ rất kỹ lưỡng và đánh giá con người bên ngoài cũng rất sâu sắc, nhưng họ lại rất độ lượng. Nghĩa là họ biết người hay, kẻ dở, nhưng vẫn thương yêu, chứ không cố chấp.
Còn người sâu sắc, nhưng hay chấp – thì lại là người hay gây rối cho cuộc đời. Bởi vì, trong cuộc sống, không phải ai cũng hoàn toàn tốt, ai cũng còn lỗi lầm, sơ suất cả. Nên người nào sâu sắc quá mà không độ lượng, thì nhìn đâu cũng thấy cái dở của người khác, trong tâm tối ngày cứ hay chê thiên hạ. Mà chê trong tâm còn đỡ, nếu chê ra miệng là bắt đầu gây rối, làm cho người này buồn, người kia phiền, và chính mình cũng tổn phước.
Ở đây có một điều rất lạ là nhiều khi mình không cần nói thành lời, chỉ cần trong tâm mình hay nghĩ xấu về người khác, là phước mình đã dần dần mất hết. Mà quả báo gần nhất là mình sẽ bị một căn bệnh nào đó, xa hơn là chính những điều xấu mà mình nghĩ cho người khác rơi vào tâm mình. Vì vậy, chúng ta rất cần trí tuệ để biết cuộc đời, nhưng chúng ta cũng rất cần một trái tim độ lượng để thương yêu cuộc đời.