Đừng Để Bản Ngã Đánh Lừa, Khiến Ta Không Thấy Được Cái Sai của Mình!

Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Thượng Tọa Thích Chân Quang


Bản ngã cứ lừa gạt khiến chúng ta phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác. Hãy nhớ rằng tốt được một lần chưa phải là tốt hẳn, vì gốc sâu của những lầm lỗi này là những kiết sử vẫn còn nguyên. Ta phải khắc ghi điều này, phải cảnh giác với chính mình từng giây phút.

Thông thường người khác vừa “nhúc nhích” một chút, chưa nói lời nào là ta thấy họ có lỗi, tâm ta dễ nghĩ bậy, nghĩ xấu cho người. bí quyết tu là ở chỗ: Ta thường nhìn lại tâm mình chứ không để tâm lang thang, rong ruổi theo trần cảnh. Nhìn xem tâm ta đang nghĩ gì, đang tính chuyện gì, đang động hay đang tịnh, ý nghĩ này có hợp với đạo lý hay chăng…? Nhưng cái khó là khi nhìn vào tâm mình ta lại thấy toàn cái tốt. Thấy mình hay chỗ này, giỏi chỗ nọ, dễ thương ở chỗ kia… thường tự khen lấy mình mà rất khó thấy cái sai, cái dở của mình, nhất là những lỗi lầm vi tế.

Có những người tháng ăn chay được mười ngày, tụng hết mấy bộ kinh dài là thấy mãn nguyện và tự nghĩ cái phước của mình đã vượt hơn hẳn mọi người. đó là tâm tự mãn, nhưng người này không nhìn thấy.

Có người rất muốn giúp đỡ người khác nên đã ước làm vua để cai trị rồi ban ơn cho tất cả, và tự thấy mình thật là tốt bụng, dễ thương! Đây đâu phải thiện tâm mà là tham vọng. Ý muốn giúp người đã bị bản ngã đánh lừa lẫn với tham vọng và quyền lực. nhưng cái “chết” là người này không nhìn ra, lại còn nghĩ mình như thế là tốt.

Chúng ta chỉ có một căn thức để nhìn lại mình, lại còn thêm bản ngã lừa gạt khiến ta cứ tự khen mình làm tổn giảm công đức, ngăn lối về nẻo thiện, nên đường tu của ta càng thêm phần gian khó. Một ý niệm khởi lên ta tưởng là tốt, nhưng đằng sau là cả một khối bản ngã, bao nhiêu tập khí, kiết sử như phần chìm khổng lồ của tảng băng trôi vẫn nằm nguyên chưa hề “sứt mẻ”. mà tu là phải gỡ cho được chỗ này, đừng để bản ngã đánh lừa khiến mình cứ tự khen mình mãi, phải dùng ý căn mà nhìn lại tâm mình thường xuyên hơn, không để năm giác quan lôi tâm mình chạy theo ngoại cảnh nữa. thấy được phía sau cái tưởng là tốt đó mới là người biết tu.

Có người trước đây thấy người ta có nhà lầu nên cũng cố công làm lụng, mong xây được cái nhà lầu cho bằng bạn bằng bè. Sau này vì biết xoay lại quan sát tâm mình, người này thấy cái ước muốn đó là sai lầm nên đã buông bỏ, như vậy cũng đã tiến bộ được một chút rồi. nhưng nếu chủ quan người này sẽ tưởng mình tốt, đâu ngờ mới chỉ buông bỏ được một ý niệm đó thôi, còn kiết sử tham thì vẫn còn nguyên vẹn. mà chỉ bậc thánh mới phá được kiết sử này để giữ trọn sự trong sạch thanh lương.

Hoặc có người thấy cảnh đời bon chen, hiểm ác, thấy con người đua nhau chạy theo danh lợi hão huyền thật mệt mỏi, nên muốn buông tất cả để đi xuất gia. Điều đó thật là tốt. xuất gia rồi người này mơ ước: “tôi sẽ trở thành một thiền sư đắc đạo, một giảng sư vân du trên mọi nẻo đường thiên lý, đem đạo lý, đem an vui, đem hạnh phúc đến cho mọi người”.

Và trong đầu nghĩ ai cũng sẽ hoan hỷ, cung kính đón mừng, thậm chí có người quỳ lạy mình nữa. tưởng là tốt đấy nhưng không khéo đang bị bản ngã lừa gạt bằng những mỹ từ trong đạo: đắc đạo, thiền sư, giảng sư trên pháp tòa được mọi người kính nể… Cái tham vọng chưa hề dứt, chỉ chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, từ ý niệm này sang ý niệm khác. Bỏ cái danh vọng hão huyền của thế gian rồi ước vọng thầm kín cái vinh quang trong đạo.

Còn bậc chân tu thì thúc liễm thân tâm, tinh tấn tu hành để đạo hạnh một ngày sâu dày, tâm linh ngày một thăng tiến, nhưng tất cả là vì Phật Pháp, vì lợi ích chúng sinh. Ước mơ giác ngộ cũng là đủ năng lực giáo hóa giúp chúng sinh thoát khổ, không mảy may mơ ước danh vọng, vinh quang cho cá nhân mình. Dù làm được bao nhiêu điều công đức cũng luôn thấy mình chỉ là hạt bụi, là cỏ rác mà thôi.

Bản ngã cứ lừa gạt khiến chúng ta phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác. Hãy nhớ rằng tốt được một lần chưa phải là tốt hẳn, vì gốc sâu của những lầm lỗi này là những kiết sử vẫn còn nguyên. Ta phải khắc ghi điều này, phải cảnh giác với chính mình từng giây phút. Tu là diệt từng lỗi, nhưng diệt được lỗi này thì lỗi khác mọc lên, vì cái gốc vẫn còn. Nên quan trọng là tu làm sao để thấy được cái gốc kiết sử này.

Kiết sử là cái sâu thẳm, thuộc phần sâu kín trong tâm thức. Phải lễ kính Phật, làm rất nhiều việc phước trong đời, tọa thiền rất tinh chuyên, tĩnh tâm sâu lắng… rồi dần dần mới có trí tuệ mà lần đến cái gốc đó. Mà thấy được kiết sử phải là bậc cao tăng, hòa thượng chứ không hề đơn giản. Thấy được đến chỗ này rồi mới biết tu, mới được gọi là “Phản quan tự kỷ bổn phận sự” không để cho bản ngã lừa gạt.

Trên đời có nhiều điều thấy vậy nhưng không phải vậy. Khi vinh quang, giàu sang sung sướng tìm đến, nhiều người tưởng đó là hạnh phúc nhưng đâu biết ẩn chứa bên trong nó rất nhiều nguy cơ. Có người trúng số xong tưởng là may nhưng không ngờ là họa. Hoặc được bình chọn là đẹp nhất thế giới, người có nhiều fan hâm mộ nhất… tưởng là hạnh phúc tột cùng nhưng không có gì chắc cả. Bởi lòng người thì mau phai, cuộc sống thì mong manh vô thường, ta có thể mất đi cái đẹp, cái giàu sang, chức vị… trong phút chốc. Vậy ai mới là người may mắn nhất? Đó là người đánh giá đúng về chính mình – chìa khóa tu hành để diệt trừ ngã chấp, chấm dứt luân hồi khổ đau.

Tuy nhiên, đa phần chúng ta không nhìn nhận đúng về mình. Mình xấu mà tưởng là tốt, tham lam mà tưởng rộng rãi bố thí cúng dường, sân hận mà tưởng anh hung hào hiệp. Chúng ta đều đã lầm. Chỉ người tu đến mức độ gần chứng Thánh rồi mới bắt đầu đánh giá mình chính xác từng chút một, biết đây là sân, kia là tham, đó là đố kỵ, hẹp hòi, phiền não,… Còn lại hễ chưa chứng Thánh, chúng ta vẫn còn sai khi nhìn nhận với chính mình.

Nên mỗi khi trong tâm khởi ý niệm tự khen mình thì phải biết bản ngã đang lừa gạt ta. Cái tâm đó mở đường cho ta thoái đọa vào ba đường ác. Vì vậy phải phòng hộ chính mình, cảnh giác với từng ý nghĩ niệm móng khởi trong tâm.