Làm thế nào phòng tránh tai nạn? Làm thế nào tự độ, độ người?

Translate into Other Languages
Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam


Tai nạn rốt cuộc có hay không là quyết định ở trong một niệm của chính chúng ta, không phải quyết định ở bên ngoài, mà quyết định bởi chính mình.

Thảy đều ở việc hiểu rõ chân tướng vũ trụ nhân sinh, triệt để quay đầu, quay đầu là bờ thì vấn đề này liền có thể được giải quyết. Mọi lời tiên đoán của phương Đông, phương Tây đã nói có rất nhiều khả năng xảy ra tai nạn. Kết luận cuối cùng của họ rất hay, mục đích của tiên đoán không phải cảnh cáo bạn tai nạn sắp đến, mà là để bạn hiểu rõ có khả năng sự việc này xảy ra, để chúng ta từ trên tâm lý làm một cuộc chuyển đổi, gấp rút quay đầu, đoạn ác tu thiện.

Tai nạn rốt cuộc có hay không là quyết định ở trong một niệm của chính chúng ta, không phải quyết định ở bên ngoài, mà quyết định bởi chính mình. Cho nên, chúng tôi ở trong buổi giảng thường nói, tâm tham chiêu cảm đến là nạn nước; trong Kinh Lăng Nghiêm nói sân hận là nạn lửa, ngu si là nạn gió, cống cao ngã mạn là động đất.

Nếu như chúng ta dập tắt tham sân si từ trong nội tâm, đối với người, với vật chúng ta học khiêm tốn, nhẫn nhường thì tai nạn này liền không còn nữa. Thiên nhân Tứ Thiền tại sao không có ba nạn lớn nước, lửa, gió? Vì họ hoàn toàn chế phục được tham sân si rồi. Cho nên người có phước báo thì nơi họ cư trú là đất phước. Chúng ta nghe Phật nói rồi thì phải giác ngộ, phải hiểu rõ, phải thật sự từ bên trong nội tâm dập tắt tham sân si mạn, dùng lòng từ bi đối nhân xử thế tiếp vật.

Tôi giảng Kinh, khuyên mọi người học Phật Bồ-tát. Phật Bồ-tát dùng ánh mắt gì để nhìn người vậy? Các Ngài thấy tất cả chúng sanh đều là Phật Bồ-tát, đó là sự thật. Chúng ta thấy tất cả chúng sanh đều là phàm phu, đều là người ác. Chúng ta thấy sai rồi, Phật Bồ-tát thấy chính xác. Người thông thường nghe thấy lời này của tôi, họ giữ ý kiến tương phản: “Phật Bồ-tát thấy sai rồi, chúng tôi thấy mới chính xác, rõ ràng người này là người tốt, người kia là người xấu”. Tại sao Phật Bồ-tát không phân biệt được tốt xấu? Trên thực tế, Phật Bồ-tát thấy chính xác, chúng ta thấy sai rồi. Đạo lý này rất sâu, phải suy nghĩ chín chắn, điều chỉnh quan niệm sai lầm, điều chỉnh hành vi sai lầm của chúng ta.

Chịu ơn người một giọt nước thì vĩnh viễn phải ghi nhớ, vĩnh viễn không quên. Người ta có gì không phải với chúng ta, tuyệt đối không nên nhớ ở trong lòng, phải quên cho thật sạch sẽ, dứt khoát không lưu lại ấn tượng thì bạn mới có đủ điều kiện học Phật, mới có tư cách làm Phật. Vong ơn bội nghĩa, thường hay ghi nhớ người này không phải với ta, người kia có lỗi với ta thì chắc chắn đọa tam đồ, hằng ngày tụng kinh niệm Phật vẫn phải đọa tam đồ. Những năm đầu triều Thanh, Pháp sư Quán Đảnh cũng nói như vậy, Ngài nói không sai chút nào. Hy vọng chúng ta ghi nhớ, chúng ta nghiêm túc nỗ lực học tập, gấp rút quay đầu, phòng tránh tai nạn.