Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Hạnh Duyên
Theo giáo lý đạo Phật, mỗi người con không chỉ có cha mẹ đời này mà còn có cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp trước. Nhiều người con tuy mang tâm hiếu nhưng chưa thực sự biết cách báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đúng Pháp.
Lễ Vu Lan là truyền thống của Phật giáo và của cả dân tộc Việt Nam.
Đức Phật đã dạy: “Hiếu đứng đầu muôn hạnh”.
Cách Báo Hiếu Cha Mẹ Sống Hiện Đời!
Đại đức Thích Trúc Thái Minh khẳng định, với cha mẹ còn sống hiện đời này, mỗi người cần chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ đầy đủ, không để cha mẹ thiếu thốn; khi cha mẹ ốm đau, bệnh tật, con cái phải kề bên, tận tình chăm sóc. Tuy nhiên, mỗi người con cần phải báo hiếu cha mẹ trên cả phương diện tinh thần mới là trọn vẹn. Nếu cha mẹ là người không có đức tin nơi Tam Bảo, tin vào ngoại đạo tà giáo, những người con cần tạo mọi nhân duyên để cha mẹ khởi được lòng tin nơi Tam Bảo, hiểu được thế nào là Quy Y Tam Bảo, hướng dẫn cha mẹ Quy y Tam Bảo. Đó là phúc lành lớn lao đem lại lợi ích thù thắng cho cha mẹ mà người con nào cũng cần thực hiện. Ngoài ra, nếu cha mẹ không có thiện nghiệp, làm nhiều ác nghiệp thì những người con cần hướng dẫn cha mẹ tu tập thiện nghiệp, thọ trì giới Pháp của Phật, đem lại lợi ích cho cha mẹ.
Còn nếu cha mẹ tham lam, bỏn xẻn thì con cái phải hướng dẫn, giúp đỡ cha mẹ sinh tâm bố thí, xả bỏ xan tham; phải hướng dẫn cha mẹ biết cúng dường. Cha mẹ mà tà kiến, không tin nhân quả, luân hồi, nghiệp báo mà lại tin Thần quyền thì con cái phải giúp cha mẹ tin vào chính kiến bằng mọi phương pháp. Theo Đại đức Thích Trúc Thái Minh, báo hiếu cha mẹ như vậy mới là đầy đủ, trọn vẹn; tức là ngoài chăm lo cho cha mẹ về vật chất, không để cha mẹ thiếu thốn thì việc lo cung dưỡng, dẫn dắt cha mẹ nương tựa Tam Bảo, tu tập theo chính Pháp để cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp tu hành mà ra khỏi luân hồi mới là báo hiếu thù thắng.
Cách Báo Hiếu Cha Mẹ ~ Thân Quyến Trong Nhiều Đời Nhiều Kiếp!
Đại đức Thích Trúc Thái Minh giảng giải: “Pháp giới này là Pháp giới nhân duyên. Không thể có cái gì tự mình thành lập, không thể có cái gì tự mình thành tựu được. Vạn Pháp đều phải nương vào nhân duyên mới thành tựu được”. Thân người hiện đời được sinh ra là nhờ cha mẹ. Tuy nhiên, trong giáo lý đạo Phật, không chỉ có cha mẹ hiện kiếp này sinh ra thân đời này mà còn có cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp trước.
Vì vậy, trong bài kinh: “Ngạ quỷ ngoại bức tường”, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã hướng dẫn các Phật tử phương pháp báo hiếu cha mẹ, người thân quyến thuộc vẫn còn đọa lạc trong cõi vong linh ngạ quỷ. Noi gương vua Bình Sa trong kinh, cúng dường Đức Phật hay Tăng chúng, hồi hướng phước báu đến quyến thuộc trong cõi ngạ quỷ sẽ đem đến lợi ích lâu dài cho cả người cúng và người được nhận phước báu. Bởi vì cha mẹ và quyến thuộc trong nhiều kiếp đã lang thang trong kiếp ngạ quỷ rất lâu, chỉ trông ngóng con cháu – những người có tâm, có đức làm phúc hồi hướng đến họ. Nếu như làm các việc bất thiện, cúng lễ không đúng Pháp hay cúng lễ mà không hồi hướng thì vong linh sẽ không thọ hưởng được phước báu.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh cũng khẳng định, trong kinh nói rõ, cúng dường cho chúng ngạ quỷ không phải là việc đốt vàng mã; mà thực sự, cúng dường Tam Bảo mới có phước báu hồi hướng cho quyến thuộc đang chịu khổ ở cõi ngạ quỷ. Bởi vậy, cúng dường Tam Bảo và chư Tăng, hồi hướng phúc báo là một cách báo hiếu thù thắng. Mùa an cư kiết hạ, khi chư Tăng tinh tấn tu hành, tăng trưởng công đức của Giới – Định – Tuệ; các Phật tử làm phước cúng dường đến chúng Tăng thanh tịnh và hồi hướng phước báu đó đến thân bằng quyến thuộc nhiều đời nhiều kiếp thì sẽ sinh ra phước báu rất lớn và đem lợi ích đến cho chính mình cũng như người thân đã quá vãng trong nhiều đời.
Hàng Phật tử hãy hồi hướng phước báu cho cha mẹ hiện đời và cha mẹ đã quá vãng đang đau khổ trong kiếp ngạ quỷ. Cùng nguyện cầu tất cả chúng sinh từng là cha mẹ của chúng ta trong nhiều đời nhiều kiếp đều được gặp chính Pháp, được tu tập theo chính Pháp để sớm được giác ngộ, giải thoát luân hồi sinh tử. Đó là tâm nguyện của những người con Phật tu tâm hiếu hạnh.
“Bến giác chiều thu sóng đạo ngàn
Những ai là kẻ mang ơn nặng
Đều vận lòng thành đón Vu Lan”.