Phát nguyện sống vị tha tuyệt đối để phước còn mãi!

Translate into Other Languages
Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Thượng Tọa Thích Chân Quang

Có phước rồi hưởng phước thì hạnh phúc chúng ta đang có chỉ là tạm bợ, ngắn ngủi, hữu hạn. Còn chúng ta làm phước mà không hưởng phước thì hạnh phúc vô hạn, vô hạn đến tuyệt đối, đến giải thoát.

Theo lẽ thường, con người muốn có nhiều hạnh phúc và muốn không có những khổ đau hoặc vượt qua được mọi đau khổ xảy ra trong cuộc sống của mình. Nhưng trong cuộc sống của con người, nỗi khổ là điều mà mọi chúng sinh, mọi con người đều phải chịu đựng và không ai có thể tránh được.

Quả thực, ta sống, sở dĩ phải cày bừa, làm lụng vất vả sớm khuya, rồi lo toan trăm bề cũng chỉ để đi tìm Hạnh Phúc. Và vì ta sợ cái đói, cái khát, cái rách rưới nghèo nàn, nhà dột cửa nát… mà những cái đó là đau khổ.

Vậy nên, ngày qua ngày ta cày sâu cuốc bẫm, trông trọt đủ thứ, những mong được ấm lòng, no đủ. Bởi ta coi đó là hạnh phúc. Mà ta cũng chỉ có được cái hạnh phúc bé bé, chút chút vậy thôi, rồi sau đó lại phải luân hồi, tái sinh và đau khổ trở lại.

Còn đối với người hiểu được luật Nhân Quả, ta làm phúc rồi được hưởng phúc, và coi như ta đã được hạnh phúc? Nhưng không. Tuy rằng hiểu được nhân quả khiến ta bớt đi điều tội, bớt đi đau khổ, và ta có hạnh phúc thật sự, nhưng quả thật nó cũng còn rất nhỏ bé. Vì nếu không khéo chúng ta sẽ đi vào vòng luẩn quẩn, làm phước, có phước, hưởng phước, hết phước, rồi ta lại vẫn cứ phải tái sinh và trôi lăn mãi.

Có phước rồi hưởng phước thì hạnh phúc chúng ta đang có chỉ là tạm bợ, ngắn ngủi, hữu hạn. Còn chúng ta làm phước mà không hưởng phước thì hạnh phúc vô hạn, vô hạn đến tuyệt đối, đến giải thoát. Vì vậy, khi làm phước, chúng ta tâm niệm không hưởng phước và phát nguyện khi nào phước đến, chúng ta tiếp tục hy sinh, vị tha.