Translate into Other Languages
Phật Giáo Việt Nam
Hòa Thượng Thích Nhật Quang
Đối với Phật tử, là người con hiếu đạo nhất tâm hướng về cha mẹ mình thì phải biết hướng về Tam Bảo. Chọn hoàn cảnh nào thuận lợi đối với mình nhất, chúng ta cố gắng tu tạo công đức để hồi hướng cho cha mẹ và những người thân đã quá cố.
Ngày tự tứ của chư Tăng, cũng là ngày chư Phật trong mười phương hết sức hoan hỷ. Vì qua thời gian ba tháng, chư Tăng an cư tu tập trang nghiêm thanh tịnh nên chư Phật rất vui.
Đồng thời đây cũng là ngày mà giới Phật tử làm bổn phận hiếu đạo đối với song thân của mình, cho nên còn gọi là ngày báo hiếu hay ngày Vu Lan thắng hội.
Vì thế, chúng tôi sẽ trình bày một số hình ảnh hay những nét về đạo hiếu ở thế gian cũng như trong đạo Phật.
Cổ nhân thường nói người biết ơn mà lo báo đáp, đó là người có phẩm cách cao đẹp. Còn người chịu ơn mà chẳng lo báo đáp, đó là người không xứng đáng. Quả thật là một câu nói chuẩn mực cho người đời lấy đó làm phương châm trong thuật xử thế của mình.
Chúng ta thấy như lời Phật dạy, chúng ta có mặt ở đây là đã mang không biết bao nhiêu ơn tình, nhất là đối với đấng sanh thành dưỡng dục.
Rồi những người bảo bọc uốn nắn cho chúng ta nên người, những tấm lòng trang trải để gìn giữ, để tạo sự tốt đẹp cho đời sống của chúng ta nữa.
Chúng ta sống yên ổn đầy đủ tươi tắn là nhờ có những mối quan hệ tốt đó.
Những thâm ân ấy có thể nói trong suốt cuộc đời, chưa chắc chúng ta có thể báo đáp cho hết được.
Ở đây vấn đề chúng tôi muốn nhấn mạnh, ơn sâu nặng nhất là ơn cha mẹ.
Thường những người có hiếu đạo là những người có kiến thức, có hiểu biết và trong cuộc sống luôn luôn áp dụng được những hiểu biết đó đối với song thân, đối với tất cả những người có liên hệ và trôi tròn bổn phận của mình trong các mối tương quan tương giao ấy.
Nói đến đạo hiếu là nói đến phụng thờ cha mẹ. Khi chúng ta biết nghĩ đến hiếu đạo thì, cha mẹ của mình đã lớn tuổi lắm rồi hoặc không còn có mặt trên đời này nữa.
Lúc đó chúng ta muốn phụng dưỡng cũng không biết làm sao cho được.
Cho nên có những vị tự buồn, tự trách mình, nghĩa là khi mình có thể thực hiện được hiếu đạo thì cha mẹ đã qua đời, người thân đã khuất bóng, không biết làm sao.
Thế nên khi cha mẹ còn sinh tiền, chúng ta nên lưu tâm đến việc này. Về hiếu đạo thì trước nhất là phụng thờ cha mẹ.
Trong phụng thờ cha mẹ, có những điều gần gũi mà người con Phật chúng ta có thể làm được.
Một là thường ngày đối với cha mẹ, chúng ta luôn luôn kính ngưỡng. Hai là vui vẻ khi phụng dưỡng cha mẹ, nghĩa là chúng ta làm việc này bằng tấm lòng chân thành vui vẻ.
Thực hiện bổn phận bằng sự hiểu biết, đó gọi là một người con hiếu đạo.
Chứ không phải chúng ta làm việc này bằng sự bắt buộc, máy móc hay vì một lý do hoàn cảnh nào khác.
Trôi tròn đạo hiếu như vậy mới xứng đáng đạo làm người.
Ba là khi cha mẹ còn sinh tiền, có bệnh tật gì, hoặc gặp phải hoàn cảnh gì khó khăn trong cuộc sống thì chúng ta luôn để tâm lo lắng.
Bởi vì đó là bổn phận, là trách nhiệm của chúng ta.
Bốn là khi cha mẹ qua đời, việc tang lễ phải thành kính, chu tất.
Đặc biệt đối với Phật tử, là người con hiếu đạo nhất tâm hướng về cha mẹ mình thì phải biết hướng về Tam Bảo.
Chọn hoàn cảnh nào thuận lợi đối với mình nhất, chúng ta cố gắng tu tạo công đức để hồi hướng cho cha mẹ và những người thân đã quá cố.
Cho nên trong tất cả những nghi thức có thể thực hiện được phải vừa thích hợp với nghi lễ của thế gian, đồng thời cũng không mất đi tinh thần của Phật pháp. Nghĩa là cả đạo lẫn đời chúng ta đều trôi tròn đầy đủ.
Chủ trương đạo hiếu trong nhà Phật là làm sao vừa đơn giản, vừa thể hiện tấm lòng chí thành khẩn thiết của mình.