Translate into Other Languages
Phật Giáo Việt Nam
Hòa Thượng Thích Thanh Từ
Phật dạy người nói kinh Pháp Hoa mà được an vui thì đừng có nói lỗi người và lỗi kinh, đừng có khinh Pháp sư khác, không nên nói việc hay dở tốt xấu của người.
Đối với hàng Thanh văn không khen và cũng không chê.
Đa số chúng ta thời nay tụng kinh Pháp Hoa sợ đổ nghiệp, vì vừa ra khỏi đạo tràng thì khen người này chê người kia, tạo điều kiện cho phiền não dấy động làm mờ Trí tuệ Phật, trái với lời Phật dạy thì làm sao được an lạc?
Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ đánh Sa-di Thần Hội ở chỗ thấy lỗi người.
Lục Tổ dạy chỉ thấy lỗi mình mà không nên thấy lỗi người, vì thấy lỗi người thì lỗi mình đã đến một bên rồi, đó là điều chướng đạo.
Tại sao?
Vì thấy lỗi người thì bực bội không thể thương người được, bực bội không thương thì không giáo hóa, không chướng đạo là gì?
Thế nên không thấy lỗi người, mà hằng thấy tâm niệm mình đang an ổn hay đang bị vọng tưởng dấy động phiền não phủ che, để điều phục cho được yên.
Trên Phật dạy nơi miệng không nói lỗi người không khen chê người.
Tới đây Phật dạy nơi tâm không sanh lòng oán hiềm, nếu có người hỏi thì không dùng pháp Tiểu thừa để đáp, chỉ dùng pháp Đại thừa giải nói làm cho họ được Nhất thiết chủng trí. Người nói kinh mà tâm còn oán thù người này, hiềm hận người kia, thì tự mình đã chướng đạo, không có lòng từ bủa rộng đâu làm lợi ích cho người được.
Và nếu chỉ đem pháp Tiểu thừa ra giảng nói, mà không nói pháp Đại thừa thì không đưa người đến chỗ rốt ráo thành Phật cũng là chướng đạo, chưa đủ tư cách nói kinh Pháp Hoa.