Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Ni Sư Ayya Khema (Việt Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh)
Đức Phật khuyên ta mỗi ngày cần quán tưởng đến năm điều. Tất cả chúng ta đều biết những điều ấy, nhưng ta thường dễ quên.
Ta thường tự dối rằng chúng không hiện hữu. Để rồi khi chúng xảy ra, như một định luật, ta lại cho đó là tai nạn, dầu chúng chỉ là những định luật tự nhiên. Đây là quán tưởng, không phải thiền quán, ta cần phân biệt hai thứ nầy.
Trong thiền quán, ta cố giữ tâm trụ vào một điểm, một đề mục của thiền quán, để giúp cho tâm trở nên tĩnh lặng, thanh tịnh, hòng có được sức mạnh để đạt được tuệ giác.
Trong quán tưởng, chúng ta chọn một đề tài là một vấn đề chung của nhân loại, không phải là vấn đề của cá nhân, và xem chúng ảnh hưởng đến ta như thế nào. Phân tích thái độ của ta đối với chúng. Chính các phản ứng đó chuyển tải tầm quan trọng của vấn đề đến với ta.
Quán tưởng có nghĩa là ta đào sâu một vấn đề, cho dầu đó là một vấn đề ta đã quá quen thuộc, ta vẫn có thể có những nhận thức mới về nó. Ta nhìn vấn đề ở một khía cạnh khác. Chúng ta có thể có được tuệ giác, vì đã bỏ được những suy nghĩ viễn vông, vì biết chuyên tâm vào một vấn đề.
Trí tuệ được phát triển như thế đó: không phải là do suy nghĩ về một vấn đề, mà quán tưởng đến chân lý của vấn đề, xem xét những ứng dụng của nó trong cuộc sống của ta; nhìn dưới mọi khía cạnh, kết nối nó với thực tế, để có được một quan điểm mới mẽ hơn.
Có thể so sánh với việc ta ngồi ở cửa sổ quan sát một cái cây, với việc ta đứng lên quan sát nó trở lại. Trước ta chỉ thấy có nửa thân cây, sau đó ta có thể nhìn cây toàn diện. Cây không thay đổi, nhưng cái nhìn của ta về cây thì đã khác.
Tôi khuyên các bạn hãy xướng những câu sau đây, vì nó giúp bạn dễ nhớ. Sau mỗi câu, tôi bổ túc thêm một số điều để giúp bạn dễ quán tưởng hơn. Bạn không cần phải tuân theo những điều ấy, vì chúng chỉ là phương tiện để hướng dẫn. Nếu bạn có những cách khác, cũng tốt thôi. Quán tưởng về nội tâm của riêng mình sẽ hiệu quả hơn.
Trước hết hãy trở về với hơi thở trong chốc lát. Xong, xướng những câu sau:
♦ Thứ Nhất: Tôi Sẽ Bị Hoại Diệt, Tôi Không Tránh Khỏi Sự Hoại Diệt
Trước hết hãy xét xem câu nầy có đúng sự thật không, nếu đúng, xét xem trong cuộc sống ta có quan tâm đến điều nầy không. Hãy xét xem trong tâm thức ta có phản đối sự thật đó không? Ta có ước ao giá mà nó đừng xảy ra. Nếu là thế, ta phải xét xem tại sao ta không tuân theo định luật tự nhiên nầy.
♦ Thứ Hai: Thân Tôi Sẽ Bệnh, Tôi Không Thoát Khỏi Bệnh Yếu
Lần nữa, ta lại xét xem điều đó đúng sự thật không? Ta đã từng bao giờ bịnh hoạn chưa, ta có chắc không bịnh nữa không? Điều nầy có nghĩa gì đối với thân, với cái mà ta vẫn gọi là ‘tôi’. Thân ta có làm theo ý ta không? Hay là nó chỉ nghe theo những luật riêng của nó, khi bịnh yếu không cần hỏi đến ý ta?
♦ Thứ Ba: Tôi Sẽ Chết, Tôi Không Thoát Khỏi Cửa Tử
Tất cả chúng ta đều biết đó là chân lý. Nhưng cần phải xét xem ta có luôn nghĩ rằng điều đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào, xét xem ta có sống theo suy nghĩ đó không. Hãy tự hỏi xem mình có chuẩn bị, có ở trong tư thế sẵn sàng, nếu không, ta còn bám víu vào gì nữa? Chúng ta cần làm gì để chuẩn bị cho cái chết, để cái chết không còn là nỗi đe dọa của ta?
♦ Thứ Tư: Tất Cả Những Gì Tôi Coi Là Quý Báu, Là Niềm Vui, Là Của Tôi, Sẽ Không Còn, Sẽ Đổi Thay
Hãy nhìn lại quá khứ, chúng ta có thể nhớ lại rằng có những vật, những kỷ niệm, những hoàn cảnh, những con người mà ta trân quý, yêu thương, đã thay đổi, đã hoại diệt. Nếu thế, những thứ bây giờ ta trân qúy sẽ ra sao? Liệu chúng có ở bên ta mãi?
♦ Và Điều Ghi Nhớ Thứ Năm: Nghiệp
1. Tôi Là Chủ của Nghiệp
Khi ta chấp nhận sự thật nầy, ta sẽ có trách nhiệm với tất cả những gì xảy ra cho ta. Chúng ta cần quán tưởng xem ta có thực sự là chủ của nghiệp, để buông bỏ bất cứ ý nghĩ nào cho rằng người khác đã tạo ra điều gì đó cho ta.
2. Tôi Thừa Tự Nghiệp của Mình
Mỗi chúng ta tự tạo ra nghiệp của mình. Nếu chúng ta luôn ghi nhớ điều đó, thường suy tưởng về điều đó, ta sẽ thấy dễ làm điều thiện, điều hữu ích.
3. Tôi Sinh Ra Do Nghiệp của Mình
Chính ước muốn được có mặt, được sống khiến ta sinh ra trong hoàn cảnh của mình. Hòan cảnh đó là một kinh nghiệm học hỏi của ta.
4. Tôi Liên Hệ với Nghiệp của Thiện Hay Ác, Tôi Sẽ Là Người Phải Lãnh Chịu
Nhận thức nầy mang chúng ta trở lại với thực tại, khi biết rằng ta không ngừng tạo nghiệp, và thường là ta phải chịu quả ngay sau đó, do ta tự tạo ra cho mình.