Phật nói về gốc rễ của thiện và bất thiện!

Translate into Other Languages
Phật Giáo Việt Nam
Quảng Tánh
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Bô-đa-lợi, kinh Đại Câu-hy-la, số 211)

Thiện hay bất thiện trong thế gian có nhiều quan niệm, quy chuẩn khác nhau. Theo đạo Phật, thân làm ác (giết hại, trộm cướp, tà hạnh), miệng nói ác (nói dối, nói chia rẽ, nói thô ác, nói thêu dệt-dua nịnh), ý nghĩ ác (tham lam, sân hận, si mê) là bất thiện.

“Một thời Phật du hóa tại thành Vương-xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử vào lúc xế từ tĩnh tọa dậy, đi đến chỗ Tôn giả Đại Câu-hy-la, chào hỏi nhau xong rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả Xá-lê Tử nói rằng:

Này Hiền giả Đại Câu-hy-la, tôi có điều muốn hỏi, Hiền giả nghe cho chăng?

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp rằng:

Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, muốn hỏi xin cứ hỏi, tôi nghe xong sẽ suy nghĩ.

Tôn giả Xá-lê Tử hỏi rằng:

Hiền giả Đại Câu-hy-la, thế nào là bất thiện, thế nào là bất thiện căn?

 Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

Thân ác hành, khẩu và ý ác hành, đó là bất thiện vậy. Tham, nhuế, si, đó là bất thiện căn vậy.

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

Hay thay! Lành thay! Hiền giả Câu-hy-la.

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong, hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

Hiền giả Câu-hy-la, thế nào là thiện, thế nào là thiện căn?

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

Thân diệu hạnh, khẩu và ý diệu hạnh, đó là thiện vậy. Không tham, không nhuế, không si, đó là thiện căn vậy.

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la”.