Translate into Other Languages
Phật Giáo Việt Nam
Thầy Pháp Nhật
Chính sự hiện hữu của bậc giác ngộ đã giúp tâm thức người hữu duyên được chuyển hoá. Cách thức mà một bậc giác ngộ hướng dẫn mà ta thường gọi là pháp môn chỉ là phương tiện tuỳ theo căn cơ.
Vì căn cơ của mỗi người rất nhiều nên theo đó mà pháp môn cũng nhiều tương ưng. Trong Phật giáo hay nói đến chúng sinh có 84000 căn cơ, vì vậy pháp môn tu tập cũng sẽ có 84000 pháp môn.
Vì pháp môn là phương tiện để giúp chúng sinh chuyển hoá như người bệnh gì thì có thuốc tương ưng cho người bệnh đó, nên pháp môn cũng vậy. Không có pháp môn hay hay dở mà là phù hợp với căn cơ người theo. Căn cơ người theo phù hợp thì nói đó là pháp môn hay.
Người khéo tu nhận ra được điều này thì sẽ không còn rơi vào thị phi, khen chê pháp môn hay hay dở nữa và luôn tôn trọng hành trình tiến hoá của những người xung quanh, và hơn thế nữa sẽ không bắt ai theo con đường tâm linh mình chọn nếu bản thân người đó không thấy phù hợp.
Pháp môn nói rộng ra thì là tôn giáo. Mỗi một tôn giáo dù lớn hay nhỏ cũng sẽ phù hợp với một đối tượng nào đó, vì căn cơ người đó chỉ dừng ở mức tôn giáo đó.
Hiểu được điều này này ta sẽ có cái nhìn cởi mở với mọi tôn giáo và tất cả người theo những đạo giáo khác nhau. Đó là cái nhìn thấu hiểu và tôn trọng mà không cho tôn giáo mình đang theo là chân lý duy nhất, là số 1.
Tôn giáo chỉ là lớp áo mà người mang lớp áo đó mới quyết định sự chuyển hoá và giúp đời. Vì thế ta càng không nên kẹt vào bất cứ hình thức tôn giáo nào.