Translate into Other Languages
Phật Giáo Việt Nam
Dạ Khách
Nếu là người thiếu trí thì sẽ trả lời đó là vàng bạc, tiền của, nhà cửa, danh vọng, địa vị, vợ chồng, con cái … Nhưng họ không biết những thứ đó sau khi họ chết đi thì mấy thứ đó cũng tiêu tán vì nó là tục sản.
Vàng bạc, tiền của chúng ta chẳng thể mang theo sau khi chết mà để lại cho những ai có phước thì họ thọ hưởng. Còn danh vọng, chức quyền cũng tiêu tán, vợ chồng con cái cũng chẳng ai theo mình, nói yêu thương nhau nhưng đến khi còn là cái xác thì ai cũng sợ. Vì những thứ đó chỉ là tài sản thế gian, còn ở đời thì nó còn giá trị, chết thì nó thành không với mình.
Theo đó, người có trí sẽ trả lời đó chính là Thất Thánh Tài (Tín, Giới, Tàm, Quý, Văn, Thí, Tuệ). Và chỉ có Thất Thánh Tài này mới theo chúng ta từ kiếp này sang kiếp khác. Cho nên người trí luôn nỗ lực và tinh tấn kiến tạo bảy món báu vật này trên lộ trình tu hành giác ngộ vì nó là Thánh sản, tài sản của bậc Thánh.
Tại sao bậc Thánh đều có bảy món báu này?
1. Tín
Đó chính là nói đến niềm tin Tam Bảo. Tin chắc thật vào Phật Bảo, là một con người có thật và tu hành giác ngộ giải thoát. Tin rằng Pháp Bảo là Chân lý mà Đức Phật chứng ngộ và Ngài tuyên thuyết Chân lý đó giúp cho tất cả chúng sanh tu hành đều chứng ngộ như Ngài. Tin Tăng Bảo là đoàn thể của các bậc Thánh đã và đang làm nhiệm vụ hoằng truyền Chánh pháp đến chúng sanh hữu duyên.
Tại sao nói tín tài là Thánh sản vì không phải ai cũng có niềm tin bất động với Tam Bảo. Với người đời họ chỉ có niềm tin vào tình yêu trai gái hay các niềm tin vào lý tưởng khác v.v nhưng niềm tin này không thể giúp họ hết khổ đau. Chỉ có niềm tin đặt nơi Tam Bảo mới giúp cho chúng ta thoát khổ.
Phật sử ghi lại, khi bà Visaka thưa với Đức Phật rằng bà tin Tam Bảo tuyệt đối với đôi bàn tay không nắm lại. Ngay đó Đức Phật xác chứng bà đã nhập vào dòng Thánh sơ quả.
Trong kinh Đức Phật nói “chư Thánh Tăng có niềm tin tuyệt đối nơi Phật Bảo và Pháp Bảo.” Nghĩa là chỉ cần tin Tam Bảo là dự vào dòng Thánh nhưng đâu mấy người làm được vì có thể hiểu sai hoặc thực hành chưa đúng.
Chữ tín ở đây có hàm ý là quy ngưỡng, nương tựa và hành theo. Tin Phật là hành theo tấm gương của Đức Phật; tin Pháp là thực hành tất cả lời dạy của Đức Phật; tin Tăng là hết lòng cống hiến, phụng sự và thực hành theo lời dạy của chư Tăng.
2. Giới
Đối với các bậc Thánh thì không những giới thô mà kể cả giới vi tế cũng không phạm, còn gọi là thanh tịnh giới. Ở đây nói rõ hơn, chư Thánh không những không phạm giới tướng mà cả giới tâm cũng hoàn toàn trong sạch. Dù một ý niệm xấu ác cũng không thể khởi trong tâm.
Trong kinh có một vị nói rằng từ ngày xuất gia đến giờ là 80 năm Ngài chưa từng khởi một niệm bất thiện, hoặc Ngài Hư Vân có nói cả cuộc đời tu hành của Ngài không khởi một niệm thế tục. Các Ngài xem giới như là mạng sống của chính mình. Cho nên mới có câu: giới thể của bậc Thánh trong sạch, thanh tịnh như vỏ ốc vậy. Còn chúng ta cũng có giữ giới nhưng đôi khi cũng phạm giới bởi tâm tham và sân còn.
3. Tàm
Là nói về mặt đạo đức. Chúng ta là phàm phu đôi khi có những ý niệm hay suy nghĩ xấu xa khởi lên nơi tâm nhưng chúng ta nhận biết và hổ thẹn với điều đó và sám hối. Nhưng với chư Thánh Tăng là hổ thẹn khi rời khỏi tâm thanh tịnh để khởi những ý niệm xấu ác. Cho nên các Ngài thì dù có ở mình thì cũng không cho những ý niệm hay suy nghĩ xấu ác khởi lên nơi tâm, biết hổ thẹn, biết xa lánh những ý nghĩ ác, lời nói ác và hành động ác, để ba nghiệp hoàn toàn không lỗi lầm. Nói cho dễ hiểu thì chư Thánh Tăng không giữ được tâm thanh tịnh là một sự hổ thẹn. Và muốn kiếp sau sanh lại được làm người thì phải có đủ tâm tàm và quý này. Vì các cõi dưới như súc sinh không có 2 tâm này.
4. Quý
Cũng giống như tàm nhưng cái quý này là biết xấu hổ, biết hổ thẹn với người khác về những khi có suy nghĩ xấu, lời nói xấu hay hành động xấu. Còn tàm là hổ thẹn với chính mình.
Chư Thánh Tăng do biết mọi chuyện đều bị chi phối bởi luật nhân quả nên các Ngài sợ tội lỗi, hổ thẹn với tội lỗi nên các Ngài không dám làm những chuyện sai quấy, xấu ác. Đối với phàm phu thì đôi khi muốn làm chuyện xấu ác nhưng sợ cha mẹ xấu hổ với bà con, hoặc sợ bị xã hội đàm tiếu nên không dám làm. Chúng ta cũng có tàm có quý nhưng không hoàn toàn trong sạch như bậc Thánh.
Có câu chuyện trong nhà thiền như sau: có một hôm Ngài Triệu Châu xuống bếp thấy chúng nấu cơm vương vãi ra ngoài đất, Ngài trách mắng. Ngay đó ông thổ địa nơi đó xuất hiện đảnh lễ Ngài và nói từ ngày Hoà thượng về đây tiếp Tăng độ chúng, con muốn đảnh lễ Hoà thượng nhưng không thấy được Ngài, hôm nay may mắn Ngài khởi tâm nóng giận mà con được thấy Ngài. Và vì chuyện đó mà Ngài hổ thẹn về cốc đóng cửa ba ngày không ăn cơm. Đối với Ngài, tu mà để cho mọi người thấy được tâm là một sự hổ thẹn. Qua đây cho chúng ta biết, tuỳ theo mức độ tu hành và sự hiểu biết sâu cạn mà mức độ tàm quý cũng có khác.
5. Văn
Là chư Thánh Tăng là những vị nghe nhiều, học rộng, ghi nhớ sâu. Đây chính là trí văn. Như chúng ta biết tu học có ba cấp bậc (văn, tư, tu) – thì các bậc Thánh đều trải qua ba cấp bậc này và các Ngài thuần thục nó và biến nó thành tài sản của mình.
Sau khi nghe Chánh Pháp thì chư Thánh Tăng tư duy đúng Chánh pháp – còn gọi là như lý tác ý và hành đúng Chánh pháp. Chúng ta là những người đang trên con đường tu tập, ta cũng đang lượm lặt, kiến tạo Thánh sản chứ không phải không có.
6. Thí
Là chư Thánh Tăng do không còn tâm tham, sân, si nên không còn tâm bỏn xẻn, keo kiệt mà các Ngài có tâm từ bi, bố thí, san sẻ, giúp đỡ mọi người khó khổ với tâm không dính mắc.
Đối với chư Thánh Tăng thì các Ngài không còn xem trọng những của cải ngoài thân nên các Ngài thí xả vô điều kiện.
Chư Thánh Tăng chỉ lấy trí tuệ làm báu vật. Cả cuộc đời các Ngài vun bồi trí tuệ sung mãn rồi các Ngài dùng trí tuệ này bố thí, san sẻ cho chúng sanh để chúng sanh thoát khỏi sự sợ hãi, gọi là vô uý thí và giúp chúng sanh giác ngộ, giải thoát.
7. Tuệ
Là chư Thánh Tăng trước hết có đủ Chánh kiến, ở đây chúng ta nghe nói hoài về Chánh kiến nhưng người có đủ Chánh kiến phải là vị Thánh sơ quả Tu-đà-hoàn, chánh kiến có niềm tin tuyệt đối về Tam Bảo và đôi bàn tay không hề nắm lại.
Có chánh kiến về nhân quả, nghĩa là nhìn bất cứ cái duyên nào, dù là thuận duyên hay nghịch duyên cũng đều thấy chân lý nhân quả hiển lộ. Có chánh kiến về lý duyên khởi của các pháp và cuối cùng là có tuệ chứng đạt Chân lý. Tuệ thấu suốt bốn Chân lý tối thượng (Tứ Thánh đế).
Thất Thánh tài là tài sản tâm linh, đây là phước trí. Cho nên là người trí chỉ nỗ lực kiến tạo, duy trì và phát triển bảy món báu này cho sung mãn. Vì trên dọc đường luân hồi chẳng ai có thể cứu mình mà chỉ có Thánh sản mới cứu được mình.
Thánh sản không chỉ giúp cho đời sống phàm phu bớt khổ đau, nhiều bình an và hạnh phúc mà nó còn là tài sản không mất, đồng thời còn có thể mang theo từ kiếp này sang kiếp khác cho đến ngày giác ngộ.
Trong mỗi người chúng ta cũng đã và đang kiến tạo bảy món báu vật này không nhiều thì ít, chứng minh cho điều này là trên con đường tái sanh thì chúng sanh tái sanh vào cõi lành bằng tâm thiện và thiện trí.
Chúng ta sanh ra làm người có hiểu biết đúng đắn, lắng nghe Diệu Pháp và có sự tư duy đúng đắn là do nhân chúng ta có bảy món báu vật này nhưng nó chưa đủ để chúng ta giác ngộ. Cho nên chúng ta phải cố gắng thực hành nó mỗi ngày mỗi giờ.