Vì sao nghề luôn đi đôi với nghiệp?

Translate into Other Languages
Phật Giáo Việt Nam
Thầy Pháp Nhật

Trong tiếng Việt chữ nghề luôn đi đôi với chữ nghiệp. Nghề là công việc bạn làm để nuôi dưỡng bản thân cũng như gia đình. Nghề bạn đang làm sẽ hình thành nên nghiệp của bạn mang trong kiếp này và những kiếp tương lai. Nghiệp là gì?

Nghiệp chính là dòng năng lượng của tâm thức được tích lũy lại thông qua hành động của bạn ngay trong đời hiện tại.

Hành động có ba phần.

♦ Phần thứ nhất là hành động thân thể của bạn sẽ tạo ra thân nghiệp.

♦ Phần thứ hai là hành động của lời nói của bạn sẽ tạo ra khẩu nghiệp.

♦ Phần thứ ba là suy tư của bạn, ý nghĩ của bạn gọi là ý nghiệp.

Nghề của bạn đang làm sẽ định hướng cách suy nghĩ của bạn, hành động và lời nói của bạn, cách bạn tiếp cận vấn đề trong cuộc sống và do đó nó sẽ tạo thành nghiệp.

Nếu nghiệp là thiện là có lợi ích cho mình và cho muôn loài nó sẽ hình thành nên thiện nghiệp trong kho chứa nghiệp thức của bạn hay còn gọi là tàng thức hay a lại da thức.

Khi bạn mang trong tâm thức thiện nghiệp, năng lượng của thiện nghiệp sẽ tạo ra một từ trường năng lượng thiện lành bao xung quanh bạn, bảo hộ bạn và hấp dẫn những điều thiện lành đến với bạn trong đời và bảo hộ bạn trước những cái xấu ác trong cuộc đời.

Khi bạn mất thân này thì năng lượng thiện nghiệp tiếp tục đưa bạn về cõi giới thiện lành mà không phải một vị thần linh nào hay một ai khác có thể làm được điều này ngoài chính những thiện nghiệp bạn tạo tác trong đời sống hàng ngày thông qua thân, khẩu và ý nghĩ của bạn.

Nếu nghề của bạn tạo ra nghiệp là bất thiện thì bạn cũng được hình thành một trường năng lượng bất thiện, tiêu cực xung quanh và hấp dẫn những nguồn năng lượng tiêu cực tương ưng đến như những người bất thiện, những điều xui xẻo…

Khi thân hoại mạng chung năng lượng của bất thiện nghiệp được lưu trữ nơi tàng thức sẽ dẫn bạn về cõi giới xấu tương ưng với những gì bạn đã tạo tác trong kiếp sống vừa qua. Lúc này không có một vị thần linh nào, pháp sư nào có thể giúp bạn mà chính bạn phải trải qua những cảnh giới không thiện lành để học bài học giác ngộ và tiến hoá tâm thức sau khi thời gian ở những cõi giới đó được mãn phần.

Vì từ nghề bạn đang làm sẽ tạo ra nghiệp do đó bạn phải rất thận trọng khi tìm một nghề nào đó để sinh sống, tồn tại. Chọn một nghề nào đó mà có thể làm lợi ích cho chính mình, cho muôn loài mà không phải hại ai hay loài nào cả trong nhà Phật gọi nghề như vậy là Chánh nghiệp.

Chánh nghiệp tức là nghề nghiệp chân chánh. Khi bạn có Chánh nghiệp thì nghiệp bạn tạo ra khi hành nghề là thiện nghiệp sẽ đem đến bạn bình an, hạnh phúc ngay trong đời này và những đời sau.

Còn ngược lại nghề bạn chọn và đang làm không có lợi ích cho mình và cho muôn loài đôi khi còn hại mình hại muôn loài thì nghề như vậy sẽ đem tới cho bạn những nghiệp xấu, bất thiện và kết quả là bạn sẽ nhận lấy những bất an, lo lắng ngay trong đời này và những đời sau. Nghề như vậy trong nhà Phật gọi là tà nghiệp.

Nghề luôn đi đôi với nghiệp nếu bạn muốn chuyển nghiệp của mình thì bạn cần xem xét lại việc thay đổi nghề của mình đang làm.

Vì nghề của chúng ta đang làm không những ảnh hưởng đến nghiệp của chúng ta đời này mà còn ảnh hưởng cả đời sống kế tiếp của chúng ta khi thân hoại mạng chung, gió nghiệp cuốn đi về cõi giới tương ưng với những gì ta đã tạo tác trong hiện đời.

Ngôn ngữ tiếng việt đã thấm đẫm tinh thần thiền, tinh thần giác ngộ của nhà Phật suốt hơn ngàn năm qua. Hễ bạn là người Việt, nói tiếng Việt dù bạn có thuộc tôn giáo nào đi chăng nữa bạn cũng vẫn đang thừa hưởng kho tàng tuệ giác của nhà Phật thông qua ngôn ngữ tiếng Việt bạn đang dùng.

Vì sao như vậy? Bởi lẽ cha ông ta, những vị vua quan nhiều đời là những Phật tử, Thiền sư ngộ đạo. Các ngài đã sáng tạo ra con chữ mà ta đang dùng thông qua tuệ giác thâm sâu của nhà Phật. Vì vậy trở về với Phật Đạo cũng có nghĩa là ta đang trở về với cội nguồn của dân tộc, cội nguồn của chính mình. Tiếng Việt thật tuyệt vời!