Vì sao thường ngày chúng ta cần phải niệm Phật?

Translate into Other Languages
Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam

Tại sao lúc sắp mạng chung mà nghe được một danh hiệu của Phật, Bồ Tát, hoặc Bích Chi Phật, thì bao nhiêu tội chướng đều có thể tiêu trừ?

Lúc sắp mạng chung tức là lúc mà mạng căn của con người sắp sửa đoạn dứt. Mạng căn vốn do ba yếu tố là “noãn” (hơi ấm), “tức” (hơi thở), và “thức” (sự hiểu biết) hợp lại mà thành; con người chết tức là mạng căn đứt đoạn. Mạng căn khi đoạn thì đầu tiên là cơ thể mất dần hơi ấm (noãn khí), kế đến là không còn hô hấp (tức), và sau đó là đến lượt thần thức ra đi. Ba thứ “noãn, tức, thức” đều đoạn hết, tức là mạng chung mạng căn đã đứt, không còn nữa. Có câu:

“Chim sắp chết thì tiếng kêu bi thảm

Người sắp chết thì lời nói thiện lành” 

Con người, khi sắp chết thì thiên lương trỗi dậy, lương tâm có thể nhận ra được những gì mình đã làm trong suốt một đời này, là đúng hoặc là không đúng. Ðó là một sự “phản tỉnh”. Lúc bấy giờ, kẻ lâm chung chân chánh nhìn nhận những việc làm không đúng của mình; do đó mà sanh lòng ăn năn sám hối.

Một khi đã khởi tâm sám hối rồi, thì cho dù chỉ nghe thấy danh hiệu của một đức Phật, một tôn Bồ Tát, hoặc một tôn Bích Chi Phật, cũng đều có thể diệt được vô lượng tội chướng, gieo trồng vô lượng thiện căn! Vì thế, lúc sắp mạng chung là một thời điểm tối quan trọng; đồng thời, đó cũng là thời điểm khó phát khởi thiện tâm cầu sám hối nhất!

Vì sao thường ngày chúng ta cần phải niệm Phật? Thường ngày niệm “Nam Mô A Di Ðà Phật,” là chuẩn bị cho lúc lâm chung không bị quên mất. Nếu ngày ngày đều niệm Phật, thì đến lúc sắp mạng chung chúng ta sẽ không thể nào quên câu niệm Phật được.

Nếu quý vị suy nghĩ một cách đơn giản, cho rằng đợi đến lúc sắp mạng chung rồi hãy niệm Phật, hãy sanh thiện tâm, thì e rằng tới lúc đó mới biết là không dễ dàng chút nào, và cũng đã quá muộn màng!