Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Thượng Tọa Thích Chân Quang
Tội phước trong nhân quả là do mình đối xử tương tác với người khác, chứ không phải ngồi một chỗ mà có tội phước.
Một người muốn có tội thì phải quậy người khác, mình làm khổ người khác. Giống như muốn có phước thì mình cũng phải giúp người khác, làm lợi ích người khác. Như vậy tội phước trong nhân quả là do mình đối xử tương tác với người khác, chứ không phải ngồi một chỗ mà có tội phước.
Cho nên nếu mình không làm gì hết thì mình cũng rơi vào tội ích kỷ liền. Thấy người khác thành công mà mình không vui mừng thì cũng là một tội rất là nặng. Nếu cái khổ của người khác hiện ra trước mắt mình thì có nghĩa là mình có duyên. Mình phải giúp chứ không được làm thinh. Tuy nhiên cũng không nên “vung tay quá trán”.
Chỗ này phải nên là một cái trung đạo, cân đối. Nếu có bao nhiêu đem cho sạch thì lại rơi vào một cực đoan khác. Giúp người là đúng nhưng cũng đừng để rơi vào cái bệnh “vung tay quá trán” sẽ thành cái tội.
Như có một lần có một người Phật tử thích làm phước tới nỗi mắc nợ, mượn nợ, bán nhà rồi lại mượn nợ để tiếp tục làm phước nữa. Người này cản cũng không nghe vì đó là làm phước sai, vì nếu làm phước đúng thì trong 3 năm đầu hoàn cảnh mình sẽ khá lên. Vì nếu như một người khổ, kiên nhẫn làm phước từ từ thì ba năm bắt đầu cuộc đời sẽ thay đổi liền. Đó là nhân quả đi đúng. Còn mình làm sai đến nỗi bán nhà là trật.
Ví dụ như có một người cầu sức khỏe nên hay đi bố thí thuốc, một thời gian sau rồi cũng bệnh tật thêm. Bởi vì bố thí toàn thuốc tây, mà thuốc tây là thuốc độc do nhiều phản ứng phụ.
Nếu cứ cho người ta uống hết kilogram paracetamon này đến kilogram kia thì không ai chịu nổi hết. Khiến người khác bị phản ứng phụ thì mình cũng chẳng có phước. Mình phải có chiều sâu hơn, chứ không phải cứ đưa cho người ta uống đại rồi mình sẽ khỏe lên là sai.