Translate into Other Languages
Phật Giáo Việt Nam
Thích Hạnh Tuệ
Sống biết rèn luyện tu tập theo lời Phật sẽ từng bước phát triển những phẩm chất đạo đức trí tuệ tốt đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống với những giá trị ý nghĩa tích cực. Biết chọn sống lương thiện tích cực và học Phật chính là cách lựa chọn của người trí để sống không uổng một kiếp người.
Khi tỉnh giác chánh niệm quan sát cuộc sống của những người xung quanh, tư duy chiêm nghiệm sâu sắc, sẽ thấy rõ rằng người có duyên gập Phật pháp, biết tu tập đúng hướng và phù hợp sẽ vui nhiều khổ ít, dù cho điều kiện vật chất, cuộc sống của họ chưa đầy đủ.
Người chưa biết tu tập hay ích kỷ sân si cố chấp thì bản thân họ sẽ vui ít khổ nhiều, kể cả những người có chức quyền, lắm của nhiều tiền, chứ chưa nói những người khốn khó bần hàn. Trước mắt chúng ta, những người giàu có quyền thế mà xấu ác keo kiệt bỏn sẻn, tham chấp và sân si thứ gì cũng không vừa lòng toại ý, hở một chút là nóng giận quát tháo thì không những chính họ mà cả những người thân bạn bè xung quanh cũng khó mà được yên ổn.
Vậy ai cũng nên rèn luyện tu tập theo Phật pháp. Tu tập theo đức Phật dạy là phát triển những đức tính tốt đẹp của mỗi con người như thương người, bao dung, chân thật, siêng năng, từ bi, nhẫn nại, tha thứ, nhất là nâng cao định lực, tri thức trí tuệ.
Tu tập rèn luyện cũng chính là nhận diện, gọi tên, chuyển hóa, dứt trừ những thói hư, tật xấu, tính ác của bản thân như: Đố kỵ, ích kỷ, tham lam, cố chấp thù hận, ganh ghét, dối trá, độc ác, lười biếng, nhỏ nhen.
Vì người có tính hay nóng giận, ích kỷ, cố chấp, đó kỵ không chỉ tự làm bản thân họ khổ đau phiền não mà còn gây phiền não, bất an đau khổ cho những người khác, nhất là những người thân, sống gần gủi với họ.
Tu tập là học cách sống tỉnh giác, chánh niệm, trí tuệ và thương yêu không cố chấp.
Đời sống của những người thể hiện được nhiều tính tốt trong lời nói, hành động, suy nghĩ, việc làm, hướng thiện, từ bi, nhẫn nại, khoan dung tích cực là đời sống có nhiều niềm vui an lac hạnh phúc giá trị và ý nghĩa.
Đời sống của những người bộc lộ nhiều điều bất thiện ác đức, gây tổn hại người, vật và thiên nhiên, trong lòng ôm nhiều sự cố chấp ganh ghét nhỏ nhen, ích kỷ, đố kỵ, thù hằn, thì sẽ luôn đau khổ, bất an, buồn phiền, không vui.
Có thể nói, muốn sống hạnh phúc an vui thì phải phát huy các phẩm chất đạo đức nhân cách tốt đẹp lương thiện. Ai có phẩm chất đạo đức tốt, người ấy sống hạnh phúc an vui.
Chất lượng sống của con người phụ thuộc vào đạo đức tâm tính của người đó.
Như vậy, nếu chúng ta quan sát, chiêm nghiệm sâu sắc, sẽ thấy ta sống vui hay sống khổ là do chính ta lựa chọn.
Tu tập, rèn luyện để phát triển những đức tính tốt đẹp, tăng trưởng trí tuệ và phước đức là điều vô cùng cần thiết cho cuộc sống hướng đến an vui hạnh phúc lương thiện mà mỗi con người đều mong muốn, không chỉ cho bản thân ta mà còn cho người thân, gia đình và xã hội.
Kinh Phước đức dạy, sống lương thiện tỉnh giác, siêng tạo tác nhân lành, cung kính Phật Pháp Tăng, giúp đỡ người khốn khó, là phúc đức lớn nhất.
Ông bà ta nói có phúc có đức mặc sức mà hưởng, huống chi còn biết rèn luyện tu tập phát triển giới định tuệ thì cả hiện tại và tương lai đều tốt đẹp thăng hoa.
Người bình thường hoặc Phật tử mới quy y nên tu tập thế nào mới đúng?
Nên thành tâm cung kinh quy y Tam Bảo, học theo 5 điều đạo đức (không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không dối trá, không rượu chè bài bạc hút sách), thực hành bài kệ: Không làm các việc ác, siêng làm các việc lành, giữ tâm ý thanh tịnh là lời Phật dạy.
Thường sống hài hoà tỉnh giác tích cực, đọc sách, tụng kinh, niệm Phật, nghe giảng, ngồi thiền, đi thiền, kinh hành, trì chú, làm phước giúp người khốn khổ.
Tập tính bao dung hỷ xả, bớt ích kỷ đố kỵ, bớt chấp, bớt tham, sân si.
Chúng ta biết rõ, là người ai cũng có lương tri, lương tâm, tính Phật, có sẵn năng lực trí tuệ từ bi diệu dụng như đức Phật. Ai cũng muốn sống lương thiện, đầy đủ, an vui hạnh phúc.
Tập nghiêm khắc với bản thân, độ lượng với mọi người, cùng nâng đỡ nhau để mọi người được sống tốt đẹp, lương thiện tích cực, chất lượng hơn theo lời Phật dạy.
Sống học Phật
Tu phước, trí
Tỉnh giác, từ bi
Nhẫn hòa, hỷ xả
Vui hướng thượng.