Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Thích Tánh Tuệ
Ngày này sang ngày khác, cái Thân chúng ta luôn luôn cử động; cái tay cái chân luôn nhúc nhích, di động, chuyển động, đi đứng nằm ngồi, lại còn trăm công nghìn việc. Vậy thì khi bắt nó ngồi yên thì nó phản ứng, nó “làm nũng” đủ kiểu!
♦ Thân yên: vì thân không sát sanh, trộm cắp, tà hạnh.
♦ Khẩu yên: là vì khẩu không nói dối, không nói lời hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, rỗng không, vô ích.
♦ Ý yên: là ý không tham, không sân, không tà kiến.
Hoá ra chỉ ở yên thôi là chúng ta đã đang sống trong 10 nghiệp lành!
Nói thì nghe dễ vậy, nhưng làm thế nào để cho Thân , khẩu , Ý đều được yên, được lặng?
Ngày này sang ngày khác, cái Thân chúng ta luôn luôn cử động; cái tay cái chân luôn nhúc nhích, di động, chuyển động, đi đứng nằm ngồi, lại còn trăm công nghìn việc.
Vậy thì khi bắt nó ngồi yên thì nó phản ứng, nó “làm nũng” đủ kiểu!
Cái Khẩu cũng tương tợ vậy. Nó quen nói lung tung, lang tang. Nó quen bàn những chuyện vô ích.
Nó quen nói xấu người này, chê người kia. Nó quen say sưa nói chuyện trên trời dưới đất.
Nó quen kể chuyện “tào lao”
Nó quen cười ha ha, cười hi hi, cười tếu táo để nhạo người này, chọc người nọ.
Nó quen tranh cãi, hiếu thắng. Nó quen thốt ra lời cộc cằn, thô lỗ.
Nó quen mách lẻo, đấu láo, “buôn dưa lê”, “đâm bị thóc, thọc bị gạo”…
Có nghĩa là rất nhiều người trong chúng ta, cái khẩu nó thiếu sự yên lặng cần thiết.
Cái thân, cái khẩu đã vậy nhưng cái ý thì lại còn trầm trọng hơn, nhiều chuyện hơn, đa sự hơn.
Nó lầm thầm đêm, lầm thầm ngày. Nó nghĩ tưởng lung tung. Nó là con vượn chuyền cành, nhảy nhót chí choé bắt hoa bẻ trái triền cao, lũng thấp.
Nó là con ngựa bất kham phóng vọt dặm bụi mịt mù, không kể dặm đường xa ngái, đầu non cuối biển!
Nó nghĩ đến những niềm vui, những thích khoái qua mắt tai mũi lưỡi thân.
Nó vọng tưởng non này, núi kia.. Nó như Tôn Hành Giả, “cân đẩu vân” một cái….thì ở đâu cũng tới; địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh hay a-tu-la chỉ trong nháy mắt!