Translate into Other Languages
Phật Giáo Việt Nam
Thích Hạnh Tuệ – Thích Nữ Thanh Quế
Thực tập thiền vài chục phút mỗi ngày giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của chúng ta. Biết vận dụng thiền trong mọi mặt của đời sống, nhất là trong ăn uống giúp tiêu trừ, giảm thiểu bịnh tật.
Ăn uống là nhu cầu thiết yếu bậc nhất của con người, không ai không ăn mà sống được. Người xưa nói: “dân dĩ thực vì tiên” là vậy.
Thông thường khi nói đến ăn, cả những người tự cho mình sành ăn nhất cũng chỉ nói đến các món ngon vật lạ, sơn hào hải vị được chế biến từ ngũ cốc, động thực vật… đó là những loại thức ăn cho thân, thức ăn vật chất, nuôi dưỡng thân thể tứ đại.
Người sống sâu sắc hơn thì còn nói đến thức ăn cho tinh thần, thức ăn của tâm thức. Tức là nói đến những loại thức ăn nuôi dưỡng đời sống của tinh thần. Thức ăn cho đời sống tinh thần tâm thức vi tế và phức tạp hơn nhiều so với thức ăn nuôi dưỡng thân thể.
Ví dụ như thưởng thức một điệu múa, xem một bộ phim, nghe bài nhạc thiền, tham dự pháp đàm, xem một bức tranh trừu tượng, thực hành toạ thiền buông thư…. là những món ăn nuôi dưỡng tinh thần tâm thức.
Khi ta nói thiền ăn là ta nói đến cả hai loại thức ăn cho thân và cho tâm chứ không phải chỉ nói đến những món ăn cho thân thể chỉ qua cửa miệng mà thôi.
Nội dung cơ bản của thiền ăn là ăn trong chánh niệm tỉnh giác.
Thay vì vừa ăn vội ăn vàng, vừa ăn vừa suy nghĩ lung tung đủ thứ trên đời thì ta ăn có sự chú tâm tỉnh giác trong suốt quá trình bữa ăn.
Chánh niệm trong từng cử động, động tác như ngồi xuống, chuẩn bị cầm đũa, muỗng lấy thức ăn, đưa vào miêng, nhai và nuốt vào bụng.
- Dùng lượng thức ăn vừa đủ, không quá nhiều cũng không quá ít
- Hãy ăn từng miếng nhỏ, không nên ăn miếng quá lớn tràm miêng
- Nhai thật kỹ và nhẹ nhàng không để phát ra thành tiếng
- Hạn chế tối đa việc vừa ăn vừa nói, vừa nhai vừa nói
- Không tham ngon chê dở, không mong nhiều chê ít
- Không phung phí thức ăn dù là mẫu nhỏ nhất
- Thiền ăn nuôi dưỡng cả thân thể và tâm thức
Ăn sạch cũng quan trọng, hãy xem đồ ăn đó đến từ đâu, quá trình làm ra một món ăn như thế nào và điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với cơ địa của ta.
Khi ăn chúng ta nên dừng tất cả các hoạt động không liên quan để dành toàn bộ tâm trí cho bữa ăn, và để cảm nhận trọn vị thì khi ăn chúng ta nên ăn từng miếng nhỏ và nhai kỹ.
Gia đình nào mà các thành viên trong gia đình ông bà, cha mẹ con cháu đều biết vận dụng phương pháp thiền ăn, cùng ăn trong chánh niệm tỉnh giác, trong tình yêu thương thì họ sẽ có những bữa ăn hạnh phúc tuyệt vời bên nhau.
Mặc dù Thiền ăn khiến bữa ăn chậm lại nhưng ta sẽ được thưởng thức đầy đủ hương vị của món ăn, không nên ăn quá no và chỉ nên dừng lại ở mức vừa phải.
Thiền ăn góp phần nâng cao sức khỏe, giảm thiểu bệnh tật, Một lợi ích khác đó là giúp dạ dày của chúng ta được khoẻ mạnh., vì quá trình nhai kỹ đã giảm bớt áp lực cho nó.
Một ngày chúng ta có rất nhiều hoạt động cần thực hiện và tốn rất nhiều calo. Nếu bỏ bữa cơ thể sẽ không có đủ dưỡng chất. Khi điều đó xảy ra thì sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Cơ thể mạnh khỏe ít bệnh tật sẽ giúp cho tinh thần trí tuệ sung mãn.
Thiền ăn là phương pháp đưa những thức ăn năng lượng tinh sạch, bổ dưỡng, thiện lành, thanh tịnh vào thân thể và tâm thức của chúng ta giúp thân và tâm khỏe mạnh tích cực.
Nên ăn uống một cách điều độ, tiết chế để có được tinh thần tốt nhất, năng lượng sẽ tràn trề khi cơ thể được bổ sung đầy đủ, mang lại một cuộc sống tích cực tươi mới và cảm giác hứng khởi để có thể tốt những việc có ích cho đạo cho đời, cho mình cho người.
Thực hành thiền ăn mới gọi là biết cách ăn, cách ăn của người trí.
Tập thiền ăn
Giảm tật bệnh
Nâng chất lượng sống
Bổ ích thân tâm
Tuyệt lắm thay.