Translate into Other Languages
Phật Giáo Việt Nam
Thích Hạnh Tuệ
Từ bi hỷ xả là những phẩm chất quan trọng của tâm Phật vốn có sẵn trong ta, tu tập, khơi dậy, phát triển tâm tứ vô lượng tâm là sống với tâm Phật, hoàn toàn thuận hướng giác ngộ giải thoát.
Nói đến đạo Phật là nói từ bi hỷ xả. Dễ thấy nhất là khi bước vào tam quan nhà chùa thường thấy bên phải là từ bi bên trái là hỷ xả.
Kinh Thuyết xứ trong Trung A Hàm đức Phật dạy về từ bi hỷ xả như sau:
“Này A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn vô lượng, Tỳ kheo tâm đi đôi với từ biến mãn một phương, thành tựu an trụ. Cứ như thế, hai phương, ba phương, bốn phương, tứ duy, trên dưới biến khắp tất cả, tâm đi đôi với từ, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh, vô cùng rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ. Bi và hỷ cũng vậy. Tâm đi đôi với xả, không kết, không oán, không sân hận, không tranh, rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ. Này A-nan, bốn vô lượng này, ông hãy dạy cho các Tỳ kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ kheo niên thiếu về bốn vô lượng này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phát triển phạm hạnh.”
Tứ vô lượng tâm 四無量心 hay Tứ vô lượng 四無量 (S. Catvāryapramāṇāni; P: Catasso appamaññāyo) là “bốn trạng thái tâm cao thượng rộng lớn vô biên”, còn gọi là Tứ phạm trú 四梵住) là Từ Bi Hỷ Xả – thuật ngữ chỉ pháp thiền định làm nền tảng cho bốn tâm cao thượng phát sinh. Bốn tâm cao thượng là:
Tâm Từ vô lượng
Tâm Bi vô lượng
Tâm Hỷ vô lượng
Tâm Xả vô lượng
- Từ nghĩa là lòng thương yêu chân thật.
- Vô lượng nghĩa là không thể cân đo tính đếm được, là rộng lớn vô biên.
♦ Tâm Từ được tu tập phát sinh, biểu hiện, phát triển thì sân hận, giận dữ tan biến. Đó chính tình yêu thương rộng lớn, đồng đều dành cho tất cả chúng sinh, con người vạn vật, không thành kiến, phân biệt đối tượng, không dính mắc làm cho tâm ta trở nên êm dịu mát mẻ thanh lương, biểu hiện trong sự chân thành, thiện ý, lời nói chân thật, thiện chí, hành vi, suy nghĩ, thái độ từ hoà nhân ái, bao dung.
♦ Bi Vô Lượng: Bi là sự thương xót, thấu hiểu, cảm thông khi thấy người khác (chúng sanh khác) khổ đau
Tâm bi được tu tập, phát triển thì sự hung dữ, ngang tàng, độc ác, tổn hại người vật thiên nhiên không còn tồn tại. Đây chính là sức mạnh làm cho tâm người thiện lành, rung động trước sự đau khổ của chúng sanh, biết suy nghĩ và chia sẻ, giúp đỡ vượt qua khó khăn, thử thách của cuộc sống; lắng nghe và xoa dịu lo lắng, đau khổ của chúng sanh. Như nguyện lực và công hạnh của Bồ tát Quán Thế Âm.
Từ là ban tặng niềm vui, bi là cứu giúp cho bớt khổ.
♦ Hỷ Vô Lượng: Hỷ là tâm hoan hỷ, vui vẻ chân thành với hạnh phúc, thành công, thành tựu của người khác, là một trạng thái hoan hỷ vô biên của tâm thức.
Tâm hỷ được tu tập phát triển thì ưu lo, phiền não tan biến, chuyển hóa loại bỏ lòng ganh ghét, đố kỵ.
♦ Xả Vô Lượng: là buông xả, không câu chấp, không vướng mắc vào bất cứ thứ gì,
Tâm xả được tu tập phát triển sẽ giúp hành giả từ bỏ tham lam ích kỷ, vọng tâm, ngạo mạn, chấp cái ta và cái của ta.
Ngồi thiền tập trung tâm hướng phát triển tâm từ đến rộng lớn vô biên
Ngồi thiền tập trung tâm hướng phát triển tâm bi đến rộng lớn vô biên
Ngồi thiền tập trung tâm, hướng phát triển tâm hỷ đến rộng lớn vô biên, biến mãn thập phương
Ngồi thiền tập trung tâm hướng phát triển tâm xả đến rộng lớn vô biên, không còn vướng mắc cố chấp vào cái ta và cái của ta.
Từ Bi Hỷ Xả là những phẩm chất quan trọng của tâm Phật vốn có sẵn trong ta, tu tập, khơi dậy, phát triển tâm tứ vô lượng tâm là sống với tâm Phật, hoàn toàn thuận hướng giác ngộ giải thoát.
Dù người xuất gia tu hành hay tại gia cư sĩ Phật tử hàng ngày biết tu tập thiền định, khơi dậy phát triển tâm từ bi hỷ xả đến rộng lớn vô biên là đi đúng con đường chánh pháp của chư Phật Bồ Tát, nối dài cánh tay của chư Phật Bồ Tát làm cho Phật pháp cửu trụ thế gian cứu giúp chúng sanh con người vượt thoát khổ đau trong sáu nẻo luân hồi.
Tứ vô lượng
Bốn pháp thiền
Từ bi hỷ xả
Rộng lớn vô biên
Thuận Phật tánh.