Xả tài làm phước, tích phước để tiêu trừ nghiệp quả!

Translate into Other Languages
Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Hòa Thượng Tịnh Không


Người thế gian không có ai không ưa thích giàu có. Đối với sự giàu có, luôn luôn cảm thấy càng nhiều càng tốt, chưa có lúc nào thỏa mãn. Tiền của tích chứa ở đó, nếu không biết dùng thì đó là tạo nghiệp, đó chính là tội lỗi.

Ngày nay thế giới này còn có biết bao nhiêu chỗ khổ nạn, một số người dân vùng biên giới xa xôi đang đói khát, không có thức ăn, đồ mặc. Chúng ta ở đây thì cứ tích chứa, để người khác đang chịu đói. Bạn nói xem, cái bạn tu là phước hay là ác?

Cổ thánh tiên hiền dạy chúng ta: “Tài vật phải lưu thông mới có thể lợi ích tất cả chúng sanh”, cho nên tiền của tuyệt đối không nên tích chứa, dùng hết rồi thì tốt, không còn nữa là tốt nhất.

Không có thì sao ? Thanh tịnh rồi, hết việc rồi, bạn nói xem, điều đó tự tại biết bao ! Dùng tiền của là nhân quả, càng xả càng nhiều, càng nhiều càng phải xả.

“Xả – Được”, ý nghĩa của hai chữ này chúng ta nhất định phải hiểu rõ. Hai chữ này có hai tầng ý nghĩa ở trong đó.

Thứ nhất là nói Nhân – Quả

“Xả tiền của” là nhân; “Được tiền của” là quả báo.

Càng xả tiền bố thí lại càng có nhiều. Càng có nhiều lại càng phải xả hướng thiện. Nhưng sau khi được tiền của rồi vẫn phải xả, phải đem cái mà bạn có được cũng xả sạch thì trí tuệ của bạn liền mở ngay.

Cho nên, xả thiện pháp của bạn thì bạn liền được thông minh trí tuệ, xả cái gì được cái nấy. Nhân quả báo ứng không mảy may sai chạy. Chư Phật Bồ Tát vì chúng ta làm đủ dạng thị hiện, thị hiện nhiều nhất, rõ ràng nhất chính là bố thí hướng thiện, chính là xả.

Trong chương hồi hướng thứ sáu của kinh Hoa Nghiêm, “Phẩm Thập Hồi Hướng”, chúng ta xem, không có cái gì là không xả, mọi thứ đều có thể thí xả, xả rất sạch sẽ, đó gọi là Phật, đó gọi là Bồ Tát, đó gọi là người chân thật giác ngộ.

Người mê thì lo được – lo mất, sống rất đáng thương. Cả đời sống trong cái vòng lẩn quẩn “Được – Mất” này, thật đáng thương biết bao!

Phật Bồ Tát, ý nghĩ của “được – mất” không còn nữa, niệm niệm chỉ vì tất cả chúng sanh. Tôi thường nói, bạn giúp đỡ tất cả chúng sanh, vì tất cả chúng sanh phục vụ, nhưng mà tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, bạn vẫn chưa có buông xả, bạn vẫn chưa từ bỏ thì cái mà bạn tu được là phước báo thế gian, không ra khỏi lục đạo luân hồi.

Nếu như bạn đem bốn tướng xả hết, như trong kinh Kim Cang nói, không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả, phát tâm vì tất cả chúng sanh phục vụ, giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn một cách vô điều kiện, thì đây là đại thánh xuất thế gian, người này chính là Phật Bồ Tát.

Bất kể thân phận mà họ thị hiện là nam nữ, xấu đẹp, già trẻ, là thuộc loại nghành nghề nào đều là Bồ Tát hóa thân. Phải biết xả pháp cứu độ chúng sanh hay xả tiền của làm phước, tiền của không nên tích chứa, đừng sợ “tiền của của tôi xả hết rồi, ngày mai tôi sống thế nào đây?”.

Đời sống ngày mai chắc chắn tốt hơn hôm nay. Bạn không tin thì biết làm sao? Bạn phải biết đạo lý này, phải biết cách làm như thế nào. Có nghĩa có gì tốt bạn cứ xả. Có tiền xả tiền. Không tiền bạn xả pháp khuyên người, xả nụ cười, xã hành động, cái gì có phước ta cứ xả.