Bốn Loại Ân Oán Trả Vay Trong Gia Đình!

Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Hòa Thượng Tuyên Hóa


Trong gia đình, những đứa con sinh ra đều do luật nhân quả chi phối. Có bốn loại con sinh ra (do luật nhân quả) để báo ân, báo oán, trả nợ và đòi nợ.

Có bốn loại con sinh ra (do luật nhân quả) để báo ân, báo oán, trả nợ và đòi nợ:

♦ Báo ân: Đời trước nhận được ơn, đời nay sinh vào gia đình để trả ơn. Họ sẽ trở thành con hiếu, cháu hiền, đến để báo ân tình xưa.

♦ Báo Oán: Đời trước con bị gây oán, đời nay sinh vào gia đình để báo oán. Thế mới có trường hợp, con cái ngỗ ngược, phá gia chi tử. Đừng vội trách con, hãy trách kiếp trước cha mẹ từng nợ chúng.

♦ Trả Nợ: Đời trước con mắc nợ, đời nay sinh vào gia đình để trả nợ. Con sẽ nỗ lực làm ăn để nuôi nấng cha mẹ, bao giờ hết nợ, con mới dứt áo ra đi. Đừng vội trách con đối đãi nhiều hay ít, bởi lẽ còn phụ thuộc vào kiếp trước con nợ cha mẹ mức nào.

♦ Đòi Nợ: Đời trước con cho vay nợ, đời nay sinh vào gia đình để đòi nợ. Nợ đã đòi xong, con có thể ra đi.

Có nhân duyên làm thân bằng quyến thuộc, cần hiểu lý nhân quả để phản tỉnh, lấy ân báo oán

Mỗi người thiếu nợ kẻ khác từ bao đời nay cũng không giống nhau. Có người thiếu quá nhiều nợ, đến đời này trả mãi không hết, nên mới có câu: “Nợ cao như núi”. Đó cũng là núi nghiệp chướng: núi ấy qua vô lượng kiếp ngày càng cao lớn, ngày càng sâu dày.

Vì vậy trong gia đình thân quyến có lúc bất hòa: ví như cha con bất hòa, mẹ con tranh chấp, vợ chồng, anh em oán thán nhau. Song ít người thừa nhận đây là nợ nần, mà ngược lại cảm thấy mình bị thiệt thòi. Kỳ thật, những việc trên xảy ra đều là do trước kia gieo nhân xấu nay gặt phải quả khổ. Bởi vậy mới có câu rằng:

“Kẻ biết mệnh trời thì không đứng dưới bước tường nghiêng đổ. Y không trách trời, không đổ lỗi cho người khác. Y biết hạ mình để học hỏi và nâng cao đạo đức để tiến lên”.

Người tu trước tiên phải hiểu lý nhân quả, không nên gieo nhân một cách bừa bãi, mà phải trồng nhân thanh tịnh. Nếu chuyện gì hợp với đạo lý thì tiến tới, không hợp đạo thì lùi lại. Không nên mờ mịt việc thiện ác khiến chúng càng thêm rối rắm; cũng không để chuyện đúng sai lẫn lộn chẳng rành. Một khi mình đã phân biệt được trắng đen, chân giả, thì phải nhân đó mà phản bổn hoàn nguyên, trở về với bản thể thanh tịnh, bản tính Chân như mầu nhiệm.

Đối với bậc làm cha làm mẹ, sinh con ra khó nhọc, nuôi nấng con còn khó nhọc hơn. Làm gì cũng nên tích đức cho con cái, đừng vì tham lam mà làm điều ác để lấy nhà cao cửa rộng cho con, cũng đừng vì ích kỷ, thù hằn cá nhân mà gây ác nghiệp, có thể kiếp sau quả báo mới tới, nhưng cũng có thể kiếp này đã tới ngay trong đời con. Nếu sinh con ra không được như ý muốn thì cũng đừng buồn giận, chỉ là ta đang phải trả nghiệp cho kiếp trước hay cho những gì ta làm trong quá khứ mà thôi!