Translate into Other Languages
Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Thích Hạnh Tuệ
Có thể nói từ xưa đến nay các Tôn giáo trên thế giới vẫn xem trọng và thực hành việc cầu nguyện
Trong đời sống Phật giáo, việc tụng kinh, niệm Phật, trì chú …để cầu nguyện những điều tốt đẹp, cầu an, cầu siêu vẫn thường được thực hiện trong các ngôi chùa, tại nhà hoặc một số nơi khác.
Quan trọng là chúng ta cần hiểu đúng bản chất, ý nghĩa của việc cầu nguyện. Nếu không sẽ dễ rơi vào mê tín dị đoan, trái với tinh thần của Phật giáo.
Nhân có một học tăng, sau khi học kinh Ca di ni (Già di ni) thuộc kinh Trung A Hàm, hỏi thầy: Có phải nhân nào quả nấy không? Trong Phật giáo, việc cầu nguyện có cần thiết không? Việc cầu nguyện có hiệu lực không?
Mới nhìn dễ lầm tưởng cầu nguyện là trái với luật nhân quả, nhưng khi nhìn thật sâu, quan sát thật kỹ thì không có gì là trở ngại, là trái ngược.
Theo tinh thần của kinh Ca di ni, ai sống biết làm mười điều thiện – thân không sát, đạo dâm, miệng không nói lời dối trá, nói thêm bớt, nói ác, nói đâm thọc, ý không tham, sân, si thì khi thân hoại mạng chung sẽ sanh về cõi lành, sanh lên cõi trời. Nếu có nhiều người xúm lại cầu nguyện cho người ấy sanh vào nẻo ác cũng không thể nào được.
Vì dụ như có người vô ý làm đổ dầu lên mặt nước, dù có rât nhiều người xúm lại cầu nguyện cho dầu chìm xuống đáy nước cũng không thể nào chìm được.
Ngược lại ai sống, làm mười điều ác đức khi thân hoại mạng chung sẽ sanh về cõi ác địa ngục ngạ quỷ, súc sanh. Dù có thật nhiều người xúm lại cầu nguyện cho người ấy sanh về cõi lành, cõi trời cũng không thể nào được.
Ví như có người mang tảng đá nặng vứt xuống nước, dù có nhiều người xúm lại cầu nguyện cho tảng đá nổi lên trên mặt nước thì đá cũng không thể nổi lên trên mặt nước được
Ai muốn sống an vui hạnh phúc trong hiện tại, đi lên, thăng tiến trong tương lai, thân hoại mạng chung sanh về cõi lành, cõi trời, cõi Phật thì hãy siêng năng tinh tấn tu tập theo Bát Thánh đạo: Chánh kiến, chánh tư duy, Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Kinh Ca di ni ghi rõ: Có người thưa hỏi đức Phật rằng: có người Phạm chí cao ngạo tự cho ngang bằng trời, họ cho rằng, nếu có chúng sanh nào mạng chung, họ có thể làm cho tự do qua lại các thiện xứ, sanh lên cõi trời. Thế Tôn là bậc đại trí giác ngộ, kính mong Thế Tôn giảng dạy cho chúng con hiểu rõ. Phật bảo .
Này Già-di-ni, nay ta hỏi ông, tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Này Già-di-ni, ý ông nghĩ thế nào? Nếu ở trong thôn ấp, hoặc có kẻ nam, người nữ biếng nhác, không tinh tấn, lại thường hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp bất thiện, là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến. Người ấy khi mạng chung, có đông người đến, chắp tay hướng về người đó kêu gọi, van lơn, cầu nguyện cho người ấy khi thân hoại mạng chung chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời’. Như vậy, này Già-di-ni, những người nam hay nữ biếng nhác làm ác kia, có vì được số đông người đều đến chắp tay hướng về kêu gọi, van lơn, cầu nguyện mà lúc thân hoại mạng chung lại được đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời được không?
Người kia trả lời: Thưa không, bạch Thế Tôn.
Phật xác nhận: Lời ông nói quả thật như thế
Cũng vậy, lý nhân quả là đúng nhưng không nên hiểu đơn giản, máy móc. Vì từ nhân đến quả còn có chữ duyên, chữ duyên này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình từ nhân hình thành quả. Nhìn từ mối liên quan này, thì việc cầu nguyện tích cực như là tạo thêm một nhân duyên tốt lành.
Chúng ta hãy suy nghĩ kỹ, ở đây vì có người Phạm Chí đề cao, tuyệt đối hóa vai trò của việc cầu nguyện, xem như cứu cánh nên đức Phật mới chỉ dạy như vậy. Đức Phật chưa từng phủ nhận hoàn toàn việc cầu nguyện bao giờ. Bằng chứng là ngài dạy Tỳ kheo Vô Não cầu nguyện cho một sản phụ sinh khó, sắp nguy đến tính mạng và đã đạt kết quả cứu được một người hai mạng
Có một số người vì suy nghĩ chưa thấu đáo, chưa đến nơi đến chốn, dù hàng ngày thường tụng kinh cầu nguyện như Tứ hoằng thệ nguyện, rồi nguyện đem công đức này… mà lại mạnh miệng nói cầu nguyện là vô ích, đức Phật không dạy như vậy…
Hiện nay trong đời sống Phật giáo, công phu, tụng kinh, niệm Phật, trì chú, cầu an, cầu siêu, cúng ngọ, cúng thí, chẩn tế… đều liên quan đến vấn đề cầu nguyện.
Khi thọ Tam quy, ngũ giới; thọ thập thiện giới, thọ Sa di giới, thọ Bồ Tát giới. Người thọ giới đều có lời phát nguyện …
Có thể nói, cầu nguyện là một nhu cầu chính đáng của tất cả mọi người, nhất là những người trong hoàn cảnh éo le, khắc nghiệt, khổ nạn.
Cầu nguyện như là một hành vi đạo đức khi tâm hướng tới điều thiện lành.
Cầu nguyện sẽ luôn có mặt trong đời sống nhân loại, con người trong hiện tại và tương lai.
Với tâm thiện lành, ý chân chánh, nghĩ tích cực thì việc cầu nguyện nên được khích lệ giúp cho đời sống tinh thần của mọi người mỗi ngày được tốt hơn lên.