Chánh Niệm Không Phải Là Một Công Cụ, Một Phương Tiện …

Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Hoà Thượng Thích Nhất Hạnh


Nếu có chánh niệm thì luôn luôn có tà niệm. Tà niệm luôn đi đôi với tà kiến và tà tư duy. Vì vậy, những loại niệm nào đưa tới tà kiến, tà tư duy, tà nghiệp thì không phải là chánh niệm.

Ta có thể sử dụng một dụng cụ để làm nhiều việc, ví dụ ta dùng dao để chặt cây, cắt gọt rau quả v.v. nhưng cũng có người dùng dao để đi ăn cướp, để giết người. Chánh niệm không phải là con dao mà ta có thể dùng để làm cả những chuyện tốt lẫn những chuyện xấu. Chánh niệm không phải là một công cụ. Nhưng rất nhiều người trong chúng ta cho chánh niệm là một công cụ, chúng ta nghĩ rằng có thể dùng chánh niệm để trị liệu, để hòa giải hoặc làm ra nhiều tiền, hoặc để giết kẻ thù cho hay hơn.

Chánh niệm không phải là một phương tiện hay một công cụ mà là một con đường. Bởi vì chánh niệm là một trong tám chi phần của Bát chánh đạo. Chánh niệm thuộc về chánh đạo (samyak marga). Nếu ta lấy chánh niệm ra khỏi bối cảnh của chánh đạo thì nó không còn là chánh niệm nữa. Đây là điều rất quan trọng!

Chánh đạo (right path) là con đường đúng đắn, bắt đầu bằng chánh kiến (right view). Chánh kiến là cái thấy vượt thoát mọi sự kỳ thị, giận hờn và sợ hãi. Vì vậy, nếu chánh niệm không chuyên chở chánh kiến trong đó thì không phải là chánh niệm thật sự.

Chánh đạo là sự thật thứ tư của Tứ đế, mà chánh niệm là một thành phần trong đó. Chánh đạo là con đường đúng đắn đưa tới hạnh phúc, tức là đưa tới sự thật thứ ba của Tứ đế.

Tà đạo (wrong path) ngược lại với chánh đạo, đó là con đường đưa tới sự thật thứ nhất tức là khổ. Ta có thể nhìn sự thật thứ hai của Tứ Đế như là một con đường, con đường sai lầm (tà đạo). Con đường sai lầm bắt đầu bằng cái thấy sai lầm, tức tà kiến (wrong view). Cái gì đưa tới cái thấy sai lầm? Tà niệm, tà định đưa tới tà kiến. Và tà kiến đưa tới tà tư duy, tà ngữ và tà nghiệp.

Cho nên, chánh niệm nằm trong chánh đạo, và tà niệm thuộc về tà đạo. Rất rõ ràng. Ta phải phân biệt được chánh niệm với tà niệm. Danh từ chánh niệm và tà niệm đã có từ thời của Bụt. Nếu có chánh niệm thì luôn luôn có tà niệm. Tà niệm luôn đi đôi với tà kiến và tà tư duy. Vì vậy, những loại niệm nào đưa tới tà kiến, tà tư duy, tà nghiệp thì không phải là chánh niệm.