Phật Tánh Chính Là Hạt Giống Chánh Niệm

Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Hoà Thượng Thích Nhất Hạnh


Năng lượng của chánh niệm có mặt trong khi tôi nâng ly lên, và năng lượng của chánh niệm có mặt trong khi tôi đang uống nước. Vì vậy không thể nói ta không có Phật tánh. Tại vì sự có mặt của chánh niệm chứng minh rằng ta có hạt giống chánh niệm trong tàng thức của ta.

Bụt là phiên âm của chữ Buddha. Danh từ Buddha do động từ Budh mà ra. Budh có nghĩa là thức dậy, hiểu biết, thức tỉnh, giác ngộ. Biết cái gì đang xảy ra, và biết một cách sâu xa thì gọi là Budh. Động từ Budh có hàm chứa tính chất của chánh niệm.

Chánh niệm nghĩa là biết cái gì đang xảy ra, thấy được cái gì đang xảy ra. Và tùy theo trình độ thấy của mình mà cái thấy đó sâu hay cạn. Nhưng tất cả đều là cái thấy. Bụt là người đã thấy, đã hiểu, đã tỉnh thức hoàn toàn. Mỗi chúng ta đều có khả năng tỉnh thức. Cái khả năng tính có thể thức dậy, có thể trở thành một vị Bụt, gọi là Phật tánh. Tiếng Phạn là Buddhata. Phật tánh tức là hạt giống Chánh Niệm.

Ta không thể nói ta không có hạt giống đó. Tại vì chánh niệm trước hết được định nghĩa là ý thức được cái gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Ví dụ khi tôi nâng cái ly lên và tôi biết tôi đang nâng cái ly lên thì lúc đó năng lượng chánh niệm đang có mặt. Khi uống nước mà tôi biết tôi đang uống nước thì lúc đó chánh niệm cũng đang có mặt.

Năng lượng của chánh niệm có mặt trong khi tôi nâng ly lên, và năng lượng của chánh niệm có mặt trong khi tôi đang uống nước. Vì vậy không thể nói ta không có Phật tánh. Tại vì sự có mặt của chánh niệm chứng minh rằng ta có hạt giống chánh niệm trong tàng thức của ta. Câu chào hỏi “Sen búp xin tặng người, một vị Bụt tương lai” nó chỉ có nghĩa là “Nhìn thấy cái hạt giống Phật tánh ở nơi anh, tôi xin thân kính chào anh”. Khi nói “một vị Bụt tương lai” là mình nói tới cái Phật tánh đó.