Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Thượng Tọa Thích Chân Quang
Việc cúng dường, bố thí đương nhiên là việc tốt, là tạo phước lành. Nhưng nếu một người cúng dường, bố thí với tâm cầu phước quá mạnh thì đó không còn là việc tốt và tạo phước lành nữa. Nhân quả của họ sẽ là làm phước – có phước – hưởng phước và tạo tội.
Đối với giáo lý về nhân quả, nếu nói trên đại cương tổng quát thì nhân nào quả nấy, làm điều lành sẽ được phước, làm điều dữ sẽ bị tội. Nhưng nếu chỉ hiểu nhân quả có chừng đó thì chưa có chiều sâu. Bởi vì khi xét sâu vào trong những chi tiết nhỏ sẽ thấy mọi chuyện không hề đơn giản.
Ví dụ nói giết người là có tội, nhưng trường hợp người chiến sĩ vì sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc buộc phải cầm súng giết giặc thì phải hiểu thế nào? Chúng ta không thể kết luận một chiều là người chiến sĩ đó có tội được. Hoặc việc ác khẩu mắng chửi, trách móc người khác là xấu, nhưng việc cha mẹ nghiêm khắc rầy la để dạy bảo con cái lại là tốt. Để kết luận một việc là xấu hay là tốt còn phụ thuộc vào tâm của người thực hiện nữa.
Ví như việc cúng dường, bố thí đương nhiên là việc tốt, là tạo phước lành. Nhưng nếu một người cúng dường, bố thí với tâm cầu phước quá mạnh thì đó không còn là việc tốt và tạo phước lành nữa. Nhân quả của họ sẽ là làm phước – có phước – hưởng phước và tạo tội. Chúng ta nên nhớ, tâm cầu phước là tâm ích kỷ.
Do đó, khi nhiều người thường khuyến khích Phật tử cúng dường để cầu phước thế gian thì điều này đồng nghĩa với việc giúp cho Phật tử có phước và hưởng phước ở kiếp sau. Nhưng rồi cũng tiềm ẩn cái ác trong kiếp sau nữa và tiếp đến là chịu quả báo nặng nề. Cho nên, đối với nhân quả mà chỉ hiểu sơ sơ thì rất nguy hiểm, chúng ta phải cố gắng tìm hiểu nhân quả cho thật sâu, thật kỹ, hiểu cho đến nơi đến chốn. Để khi mình làm bất cứ một điều lành đều phải chắc chắn rằng nó sẽ gây được ảnh hưởng tốt đến mọi người. Muốn vậy thì trong tâm mình cũng phải được gạn lọc, phải loại bỏ đi cái vị kỷ, để chỉ còn lại đạo đức và vị tha thực sự. Như thế mới được gọi là điều thiện hoàn hảo.