Làm Gì Khi Đối Diện Với Người Hay Làm Mình Giận?

Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Thầy Thiện Tuệ 


Muốn hết giận thì ta phải chứng đến Thánh quả thứ ba A Na Hàm. Điều này vô cùng khó. Trong cuộc sống chúng ta, ai cũng còn giận. Vấn đề là giận như thế nào?

Trong Kinh Tăng Chi, Đức Phật dạy có 3 hạng người khi nóng giận:

1. Hạng người thứ nhất viết chữ trên đá: người luôn luôn phẫn nộ và tiếp tục phẫn nộ lâu dài. Ví như chữ viết trên đá được tồn tại lâu dài, không bị gió hay nước tẩy xóa nhanh chóng.

2. Hạng người thứ hai viết chữ trên đất: người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này không có tiếp tục lâu dài. Ví như chữ được viết trên đất, không tồn tại lâu dài, bị gió hay nước tẩy xoá mau chóng.

3. Hạng người thứ ba viết chữ trên nước: người dẫu bị nói một cách kịch liệt, bị nói một cách ác độc, bị nói một cách thô lỗ, tuy vậy, vẫn dễ dàng hòa hợp, thân thiện và hoan hỷ. Ví như chữ viết trên nước không tồn tại lâu dài, được mau chóng biến mất.

Hậu quả trước nhất của việc nóng giận là làm cho bản thân mình mệt, mình khổ. Giận là khổ. Giận bao nhiêu ngày, khổ hết bấy nhiêu ngày. Khi giận một người, mình có tâm muốn trừng trị người đó, mong người đó bị tổn thương, thậm chí mong người đó chết. Tuy nhiên, các nhà khoa học chứng minh: khi giận, cơ thể đang tiết ra những độc tố như là thuốc độc. Chính khi mình giận, bản thân mình đang uống thuốc độc để tự đầu độc mình. Cái giận thật sự không tốt.

Nếu thấy ai đó hay chuyện gì, mà hễ gặp là mình giận, thì hãy tu pháp nói cho vui vui là “xa ta rê”, “xê ta ra”. Ông bà xưa có câu: “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Chẳng hạn ra đường, mình gặp một con chó bị điên thì mình phải tu pháp “xa ta rê” liền, chứ chẳng lẽ ra đường đứng nói “có ngon tới cắn đi”.

Hay gặp một cơn bão, gió đổ cây, bay tôn, cách an toàn nhất mình phải xa cơn bão ra, vô ở trong nhà. Gặp người hay làm mình giận thì phải né ra. Tuy nhiên, nếu đó là người mà mình bắt buộc phải gặp hằng ngày thì sao, như em ruột mình chẳng hạn? Lúc này, mình phải chịu đựng, cố gắng khuyên bảo, khuyến khích, giúp đỡ cho người đó tốt lên. Giống như dòng sông gấp khúc, quanh co, khi đang chảy, dòng nước nó bị chặn lại thì nó phải tìm hướng khác để chảy tiếp. Cũng vậy, giúp đỡ người đó cách này không được thì mình tìm cách khác để giúp.

Tùy trường hợp mà mình ứng xử. Có khi phải né ra xa. Có khi khuyên bảo nhẹ nhàng. Có khi phải im lặng một thời gian. Và cũng có khi, phải tránh xa một thời gian.