Nhân quả của tài năng!

Translate into Other Languages
Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Thượng Tọa Thích Chân Quang


Tại sao trên đời này có người có tài, có người lại không? Nhân quả thật sự là như thế nào?

Tại sao trên đời này có người có tài, có người lại không? Nhân quả như thế này!

Người nào siêng lao động làm việc giúp đời thì người đó cái tài sẽ từ từ tăng lên. Ví dụ ban đầu họ không có tài nhiều họ chỉ có sự siêng năng lao động bằng cơ bắp nhưng việc gì của làng nước kêu đâu cũng làm nhiệt tình, đường hư thì đi đắp nhà ai hư thì lại phụ sửa giùm v.v, tức là rất thích lao động giúp đời mà không tài không có bằng cấp chuyên môn gì cả mà chỉ thích lao động giúp đời thôi. Thì cũng do nhân quả đó mà những đời sau sinh ra là người có tài, khéo léo.

Còn ngược lại, người nào lười biếng ít có giúp đời thì dù có tài cũng sẽ mất dần, trở thành người không có tài. Làm gì cũng ngại cũng sợ cũng ngại không dám dấn thân không dám tính toán vì sợ mệt thân mệt óc thì từ từ tài năng sẽ biến mất luôn. Nên vì vậy ta đừng sợ nhọc nhằn cực khổ hay đụng chạm tới ai mà hễ cứ có cái gì đóng góp được cho đời thì cứ cố gắng mà làm tới.

Một nhân quả nữa là khi ta chỉ vẽ cho ai tận tình không giấu nghề mà thậm chí còn muốn cho người ta giỏi hơn mình nữa. Ví như mình có cái nghề thợ mộc và khi đã hứa chỉ cho ai rồi thì dạy tới nơi tới chốn. Rồi có khi họ phải nghỉ học sớm thì mình ráng dạy gấp rút cho kịp để khi họ rời khỏi mình vẫn có tay nghề giỏi. Hay như là một thầy giáo khi nào cũng muốn cho học sinh của mình giỏi thì dạy rất là kỹ lưỡng phương pháp học.

Tức là người nào đó nếu có nghề hay chuyên môn gì mà khi hễ dạy ai là dạy rất kỹ thì nhiều đời sau cái tài sẽ tăng lên từ từ.

Sở dĩ nói từ từ vì nhân quả về tài năng thì khi đi qua nhiều kiếp nó chỉ tăng lên chậm chậm chứ không tăng lên nhanh như nhân quả về tiền bạc. Còn những người tới mức thiên tài thì phải hiểu rằng họ đã tích lũy cái nhân quả đó cả trăm kiếp chứ không ai mới trải năm mười kiếp mà thành tựu được. Làm phước qua 5-10 kiếp chưa đủ để trở thành thiên tài mà chỉ đủ để người ta khen mình là người có tài mà thôi.

Cho nên cứ kiếp này ta phải siêng năng lao động giúp đời, khi dạy ai thì cứ tận tình chỉ bảo.

Thêm một nhân quả nữa là khi thấy ai có tài thì mình tác ý ba cái tâm. Một là hoan hỉ, hai là bái phục, ba là ủng hộ thì sau này mình sẽ là người có tài.

Còn ngược lại khi thấy ai có tài mà mình khó chịu và đố kỵ, không ủng hộ và tìm cách phá ngầm sau lưng thì đời đời mình sẽ là người bất trí vô tài vô đức không xài được làm đâu hư đó.

Nhấn mạnh rằng ta phải hết sức cẩn thận cái tâm này. Nếu thấy ai giỏi hơn mình thì phải hết sức kính trọng và phải mong cho mọi người đều giỏi hơn mình, cứ phải cầu nguyện và giữ cái tâm đó mãi. Nghe ở đâu có người tài có đức phải hết sức hoan hỉ dù chưa hề gặp mặt. Còn nếu có duyên thì cứ khen ngợi người đó ra trước mặt mọi người, nhờ vậy mà ta sẽ có tài năng.

Ngoài ra nếu ta dùng cái tài để làm việc ác thì mất hết tài luôn. Như nhân vật Tào Tháo vậy, ông là người điều binh khiển tướng giỏi nhưng trong tâm thì cứ muốn chinh phục đánh phá giết chóc, một trận chiến xảy ra là chết không biết bao nhiêu người mà kể. Vì tham vọng quyền lực của mình, muốn thu gom lãnh thổ trong sự kiểm soát của mình mà cầm quân đi đánh khắp nơi. Và sau này cái tài năng đó mất hết.