Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Hòa Thượng Thích Thanh Từ
Bạch Thế Tôn, tại sao công đức tùy hỷ và công đức bố thí lại bằng nhau? “Như một ngọn đèn, hay một cây đuốc đang cháy, có người cầm cây đuốc đến mồi. Khi mồi xong, cây đuốc này cháy, cây đuốc kia cháy, thử hỏi ánh sáng hai cây đuốc có thua nhau không? Cây đuốc bị mồi có mất ánh sáng không? “
Khi chúng ta nhìn thấy một người bạn hay một kẻ thân làm một điều lành, một việc phải thì chúng ta phát tâm vui theo.
Người làm vui năm, chúng ta cũng vui được năm; người làm vui mười, chúng ta cũng vui mười.
Vui theo việc làm lành làm phải của người bạn người thân, cho đến những người đồng đạo của chúng ta.
Chúng ta phát được niềm vui đó, thì công đức cũng bằng của người làm việc phải, việc thiện.
Nói như vậy quí vị không khỏi nghi ngờ.
Thí dụ: Người ta đem mười đồng bạc tới chùa cúng Tăng hay cúng Tam Bảo, mình không có đồng xu nào hết, thấy người ta cúng Tam Bảo họ vui, mình cũng vui theo, thì công đức của người cúng mười đồng với công đức của người vui theo bằng nhau.
Mới nghe qua như bất công bằng vì mình không tốn một xu nào mà lại công đức bằng.
Nhưng đức Phật nói công đức bằng nhau.
Có người hỏi: Bạch Thế Tôn, tại sao công đức tùy hỷ và công đức bố thí lại bằng nhau?
Phật trả lời:
“Như một ngọn đèn, hay một cây đuốc đang cháy, có người cầm cây đuốc đến mồi. Khi mồi xong, cây đuốc này cháy, cây đuốc kia cháy, thử hỏi ánh sáng hai cây đuốc có thua nhau không? Cây đuốc bị mồi có mất ánh sáng không? “
Phật nói:
Cũng vậy, người làm việc lành việc thiện, chính họ đã có công đức rồi. Người kia phát tâm tùy hỷ vui theo việc lành, việc thiện đó, công đức cũng ngang bằng với người làm lành làm thiện.
Như vậy tốt quá, nhẹ nhàng quá, lựa là chúng ta có nhiều tiền mới làm việc công đức.
Ai làm việc công đức chúng ta tùy hỷ tán dương thì chúng ta có công đức ngang bằng rồi.
Tại sao tùy hỷ có công đức lớn như vậy?
Người có của đem ra bố thí hay là có công đem ra giúp người, đó là họ xả được cái tâm ích kỷ, tham lam của họ để làm việc bố thí, làm việc cúng dường, làm việc cứu giúp.
Còn người phát tâm tùy hỷ thì xả được cái tâm tật đố, vì thông thường thế gian thấy người ta làm cái gì hơn mình thì sanh tật đố.
Thí dụ hai huynh đệ đi chùa, người kia có mười đồng cúng, mình không có, thì cảm thấy buồn, rồi nói móc nói ngoéo, chớ không bao giờ có tâm tùy hỷ vui theo.
Thấy người ta làm, mình làm không được thì có cái đố kỵ.
Đó là tâm xấu. Bây giờ chúng ta phát tâm tùy hỷ là dẹp được cái tâm tật đố.
Người bố thí xả được cái tâm tham lam ích kỷ, người tùy hỷ xả được cái tâm tật đố, thì hai người công đức bằng nhau.
Nhưng ở thế gian, chúng ta hằng thấy, cho đến em ruột trong nhà, khi thấy người anh làm được nhiều của giàu, còn mình không có của nghèo, thì tự nhiên có mặc cảm đố kỵ với anh rồi.
Vì vậy tình anh em có hơi xa cách. Vì sao?
Bởi cái tâm tật đố không muốn ai hơn mình.
Thấy người hơn mình là sanh tâm đố kỵ.
Đó là thông bệnh của con người.
Cho nên ở đây chúng ta học đạo phải tập cái tâm tùy hỷ .
Không phải đợi làm việc công đức mới tùy hỷ , mà thấy ai làm được cái gì an vui, hạnh phúc tốt đẹp, chúng ta đều tùy hỷ hết.
Một thí dụ nữa. Chúng ta nghèo ăn cơm hẩm với muối hột, người bạn chúng ta giàu, ăn cơm gạo lúa thơm, thịt cá đầy bàn.
Thấy như vậy chúng ta vẫn tùy hỷ bảo: “Anh sung sướng quá, tôi mừng cho anh được đầy đủ sung túc.”
Thấy mình tùy hỷ, người bạn giàu đó ghét mình không? Không ghét mà thương, có thể còn giúp đỡ mình nữa.
Nhưng mà ở đời người ta chịu làm vậy không?
Hay là nếu mình ăn cơm hẩm muối cục, bạn mình ăn cơm gạo lúa thơm, cá thịt đầy bàn, thì tự nhiên thấy không vui, rồi kiếm chuyện nói móc nói ngoéo.
Do đó tình bạn bè tự nhiên xa cách. Mình đố kỵ người ta, người ta thương mình sao được.
Từ cái đó mà sanh ra ngăn cách.
Bạn trở thành thù, bởi đố kỵ mà ra.
Từ hoàn cảnh ăn ở, cách xử sự, cho đến làm việc thiện… tất cả chúng ta đều nên tập cái tâm tùy hỷ.
Có người làm được việc mà chúng ta không đủ khả năng làm, chúng ta nên mừng theo.
Một thí dụ khác. Hồi thuở bé, chúng ta đi học ở trường, khi thầy giáo cô giáo kêu trả bài, hôm nào mình không thuộc bài bị điểm nhỏ, nếu bạn mình thuộc bài được điểm lớn thì mình có thương người được điểm lớn hay không?
Mình lười biếng không học, nên thua người ta, người ta siêng học được điểm lớn, tại sao mình lại buồn ghét, lại đố kỵ.
Hoặc giả, trong đám học trò, đến cuối năm những đứa học giỏi được khen thưởng, được những món quà, còn mình là kẻ học dở đứng hạng chót, nhưng khi thấy người ta lãnh quà, thì mình có vui lây không?
Hay là thấy ghét rồi kiếm chuyện này chuyện kia để thách đố.
Cái tâm đó có từ thuở bé, chớ không phải bây giờ mới có.
Chúng ta mang sẵn nó từ thơ ấu. Giờ đây biết tu chúng ta bỏ cái tật đó, nó tương đương với tham lam.
Tham lam có thì tật đố cũng có.
Người biết làm lành làm phước, họ xả được lòng tham, chúng ta biết tùy hỷ , thì bỏ được tâm tật đố.
Như vậy cả hai đều bỏ được một tật cho nên đức Phật nói: “Công đức ngang nhau.”
Như vậy, mai mốt đi chùa, hai huynh đệ, người này có món đồ cúng Phật, cúng Tăng, mình không có mình cũng vui theo, mừng cho bạn có tiền để cúng chùa.
Như vậy cả hai công đức đều như nhau.
Đừng nghĩ mình nghèo không có gì cúng mà không muốn đi chung nữa. Đừng nghĩ như vậy, đó là trái với đạo lý.
Hiểu ứng dụng cho đúng thì chúng ta mới thấy Phật pháp công bằng, không thiên người giàu, không bỏ người nghèo.
Ai cũng có phước hết, chỉ cần có tâm lành, tâm thiện là được.
Đó là cái vui nhỏ đầu tiên của người vào đạo.