Thực Hành Lời Phật Dạy Là Có Chân Hạnh Phúc!

Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Hòa Thượng Thích Thanh Giác


Thông thường chúng ta ai cũng mong có hạnh phúc. Vậy hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là những điều vui thích, những điều an lạc. Nếu không có an lạc, vui thích thì dù ở đâu cũng cảm thấy thiếu hạnh phúc.

Thế gian thường nghĩ rằng: Có tiền, có chức vị quyền cao, nói người ta nghe, đe người ta sợ như thế là hạnh phúc. Thiếu những tính đó coi như không có hạnh phúc. Hạnh phúc đó là hạnh phúc của thế gian, nó cũng chỉ là tạm bợ tương đối nhỏ nhoi nhất thời mà thôi, không những thế nó còn gây ra biết bao nỗi khổ đau cho con người, gia đình và xã hội.

Thời đại ngày nay nền khoa học kỹ thuật phát triển quá nhanh như vũ bão đạt tới đỉnh cao chưa từng thấy, đưa đời sống con người lên tầm cao mới. Tuy nhiên nó để lại những hệ lụy cũng không nhỏ. Đó là: Hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, thiên tai dịch họa, chiến tranh đao binh, nạn phân biệt chủng tộc tôn giáo, phân biệt giàu nghèo, nạn thất nghiệp đói kém, tệ nạn mê tín dị đoan. Đặc biệt là đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng, các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng, bao cảnh bi thương xảy ra ngay trong gia đình và xã hội như: con giết cha, vợ giết chồng, chồng giết vợ, cha mẹ sát hại con cái, anh em tàn sát lẫn nhau chỉ vì lòng tham không được thỏa mãn. Con cháu bất hiếu với ông bà tổ tiên, cha mẹ; tham lam, trộm cắp, tà dâm, dối dá, lừa gạt, rượu chè, cờ bạc, bạo hành gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, dâm ô trẻ em, tham ô tài sản Nhà nước hàng hàng tấn ma túy … 

Đơn cử một số vụ việc xảy ra như tại Vĩnh Phúc người con trai cả đòi mẹ mỗi ngày phải trả 50.000 đồng công nuôi mẹ, trước đó, chỉ vì mẹ chia phần đất hơn cho người em trai út. Lại nữa ở An Lão, Hải Phòng cô chủ nhà nghỉ bị sát hại bởi sát nhân là kẻ ngáo đá nghiện game bắn cá không có tiền ăn chơi. Hay vụ việc Lưu Bá Luyện 17 tuổi sát hại 3 người trong 1 gia đình tại tiệm vàng Bích Ngọc ở Bắc Giang. Vụ thảm sát 6 người ở Bình Dương kẻ sát nhân là Nguyễn Hải Dương, thêm vào đó là một số phim ảnh, truyện, báo mạng Internet, đồ chơi trẻ em, thông tin phần nhiều là có tính kích dục và bạo lực, rất nhiều hệ lụy xảy ra hàng ngày mà thông tin đại chúng đưa tin không hết được. Trong khi đó công tác giáo dục của xã hội hiện nay lại thiên về tính toán vật chất, nghiêng về lợi ích cá nhân chạy theo thành tích và kinh tế thị trường. Do vậy mà xem nhẹ giáo dục nhân cách, luân lý đạo đức tâm linh. Phải chăng nguyên nhân do đâu? Xin thưa không phải đâu khác, chính là con người, xuất phát từ tâm con người.

Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe chân vật kéo! (Kinh Pháp Cú số 1)

Xét đến cội nguồn thì con người và tất cả chúng sinh đồng tính thanh tịnh, tức đồng Phật tính. Nhưng vì sống trong thế giới ô trược này khi căn xúc cảnh chân tâm bị biến dịch thành thức, thức phân biệt các pháp thành ra ô nhiễm mà sinh tham, sân, si, đánh mất chất liệu thanh tịnh của chính mình, tạo nhiều điều xấu ác làm khổ mình, khổ người, khổ cho gia đình và xã hội. Chính vì vậy, muốn hết khổ đau để có chân hạnh phúc chúng ta phải vâng làm theo lời Phật dạy.

♦♦♦
Thực Hành Lời Phật Dạy là có chân Hạnh Phúc
♦ Bổn Phận Tự Thân Phải Giữ 5 Giới: 

5 Giới – Không sát, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Đây là nền tảng luân lý đạo đức căn bản của 1 con người được Đức Phật dạy trong kinh Thiện Sinh (kinh Lễ 6 phương).

Này em Thiện! Cơ đồ muốn lập Xa bốn điều: Trộm cắp, sát sinh. Gian dâm, nói dối làm thinh
Bốn điều nữa cũng liệu mình tránh xa. Chớ gần gũi nữa mà bị tủi
Sợ, giận, cùng muốn với ngu si Còn sáu việc phải kiêng dè
Đắm say chè rượu ham mê bạc bài Cùng rông rỡ chơi bời hát xướng Bạn ác cùng lười biếng là nguy Những điều ấy kịp bỏ đi
Việc hay phải giữ nghiệp kia mới thành Em xem xét cho rành mọi nhẽ
Mới phải là phép lễ sáu phương… Đông là cha mẹ rõ ràng
Nam là thầy bạn, Tây phương vợ chồng Phương Bắc chính là dòng thân thích Phương hạ người ở ích cho ta
Thầy tu phương thượng đó mà
Thiện Sinh em nhớ cho ra kẻo nhầm.

♦ Bổn Phận Mỗi Thành Viên Trong Gia Đình

Con người thật sự hạnh phúc là con người biết hoàn thiện nhân cách, tu tâm dưỡng tính, trau dồi đức hạnh để thân tâm an lạc, thanh tịnh, vui sống hiện tại và tiến lên con đường giải thoát trong tương lai. Mỗi hạng người trong gia đình từ ông bà, cha mẹ, con cái đến những người làm công, kẻ làm mướn cho mình đều phải có trách nhiệm đối với họ, và nếu mỗi người ý thức tốt bổn phận của mình thì sẽ thiết thực đem lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội.

1. Là con phải hiếu kính với cha mẹ, tùy theo mùa nóng lạnh mà lo chuyện ăn uống cho phù hợp, lo sắp xếp công việc trong ngày, những vật dụng cần thiết nhất là khi tối lửa tắt đèn, thay thế cha mẹ gánh vác công việc nặng nhọc trong gia đình để cha mẹ thảnh thơi vui hưởng tuổi già, luôn luôn tâm niệm báo đáp ơn sinh dưỡng dục của cha mẹ, phải hết lòng săn sóc khi cha mẹ đau ốm, ân cần hầu hạ, thuốc thang.

2. Đối với con cái, phải biết dạy dỗ con cái đừng làm ác mà phải biết làm lành để con cái trở nên người đức hạnh, khuyên răn con cái sống gần thiện hữu và người trí thức để học hỏi nhiều điều tốt, nhắc nhở con cái cần mẫn học hành để trở thành người hữu ích, phải chăm lo việc gia đình cho con cái và cho phép con cái tham gia bàn tính chuyện gia đình để góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình chung.

3. Vợ đối với chồng phải kính yêu, hòa thuận, cư xử lịch sự nhã nhặn, khi chồng đi vắng, phải lo việc nhà và phải hết mực chung thủy với chồng, phải giữ gìn tiết hạnh không được ngoại tình, có của ngon vật lạ không được dùng riêng, khi chồng nóng giận thì không được cãi vã làm mất hòa thuận, đợi khi chồng bình tĩnh lại rồi mới dùng lời lẽ khuyên bảo, khi chồng khuyên giải đúng thì phải vâng theo, phải quán xuyến mọi việc nhà cửa, xem tài sản trong gia đình là của chung.

4. Chồng đối với vợ phải biết hỏi thăm lịch sự khi vợ đi về, nên dễ dãi ăn uống để khỏi phiền lòng vợ nấu nướng cực nhọc, phải mua sắm áo quần nữ trang đầy đủ cho vợ, không được sinh tâm tà vạy, phải trung thành với vợ không được ngoại tình.

5. Đối với bà con thân thích, thì phải hết lòng khuyên can nhắc nhở khi họ làm điều bất chính, giúp đỡ khi gặp tai ương, bệnh tật, không nên nói những chuyện kín đáo của họ, thường hay lui tới viếng thăm lẫn nhau, đừng vì bất đồng ý kiến mà cố chấp giận hờn nhau, phải biết nâng đỡ nhau lúc ngặt nghèo cơ nhỡ.

6. Học trò đối với thầy, phải kính mến như cha mẹ, vâng lời dạy bảo, giúp đỡ thầy trong cơn hoạn nạn, siêng năng học tập để thầy vui lòng, khi thôi học cũng phải năng lui tới thăm viếng để tỏ lòng cảm mến công ơn dạy bảo của thầy.

7. Trái lại, Thầy phải cần mẫn dạy dỗ trò, làm cho học trò phải tiến bộ cả kiến thức lẫn đức hạnh, phải lý giải cặn kẽ những điều khó hiểu để học trò được hiểu, phải có lòng rộng rãi, mong muốn học trò giỏi giang tiến bộ hơn mình.

8. Anh em một nhà như chân tay, như môi với răng, cho nên ta phải biết sống sao anh cho ra anh, em cho ra em, kính trên nhường dưới, hòa thuận thương yêu đùm bọc chở che, để cha mẹ hài lòng, phải dìu dắt nhau cuộc sống theo tinh thần chị ngã em nâng, phải tự nhắc nhở nhau thực hiện đúng tâm nguyện chân chính của cha mẹ.

9. Chủ nhà cần phải quan tâm đến sức khỏe và những phương tiện sống của người giúp việc để cho họ vui vẻ làm lụng. Khi họ bệnh phải lo thuốc thang để họ chóng lành bệnh. Nếu họ có phạm lỗi thì phải xem xét cho cẩn thận chớ có mắng oan, dùng lời thanh nhã để chỉ bày giúp họ chừa bỏ, không nên tước đoạt tài sản mà họ tiết kiệm dành dụm được, biết thưởng công và khuyến khích việc tốt.

10. Trái lại người giúp việc phải lo thức dậy trước không đợi chủ gọi, phải biết phân thời khóa công việc để làm, không đợi sai bảo, làm việc cẩn thận, giữ gìn tài sản của chủ không được làm thiếu hụt hư hao, phải kính trọng thương mến chủ nhà, đi thưa về trình tỏ ra thân mật, không được trì trích nói xấu chủ nhà với người ngoài.

♦♦♦
Kết Luận

Đạo Phật lấy con người làm trung điểm, làm trung tâm giáo dục nhằm mục đích chuyển hóa con người từ mê lầm đến giác ngộ. Đạo Phật không xa rời cuộc sống, không tách khỏi cuộc đời “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”. Giáo lý của Đức Phật rất thực tiễn, được xây dựng trên nền tảng của con người đó là định luật nhân quả, thuyết nghiệp báo, định lý duyên khởi nhằm thức tỉnh con người và chúng sinh, giải quyết các mâu thuẫn xung đột giữa cá nhân, gia đình và xã hội.

Muốn có hạnh phúc phải thực hành theo lời Phật dạy:

♦ Đối với tự thân: Phải tự giác và thành tựu được 5 điều không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu nghiện ngập chích hút ma túy.

♦ Thứ hai là phải giữ trọn bổn phận đối với tổ tiên ông bà cha mẹ, con cái, vợ chồng, họ hàng quyến thuộc, đạo nghĩa thầy trò, tình huynh đệ thủ túc, chủ nhà với người giúp việc. Đây là mối quan hệ 2 chiều không thể thiếu để xây dựng một gia đình hạnh phúc an lạc góp phần xây dựng một xã hội, một đất nước và một thế giới cực lạc miên trường.

Tài Liệu Tham Khảo:

  • Phật học phổ thông | Quyển 1 | Thích Thiện Hoa – Đông Phương, 2011.
  • Phật học tinh yếu | Hòa thượng Thích Thiền Tâm – TP. Hồ Chí Minh, 1999.
  • Gia đình giáo dục | Sa Môn Trí Hải – Tôn giáo, 2015.