Ai Cũng Có Một Tâm Phật!

Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Hoà Thượng Thích Thông Phương


Phật cũng là một con người như chúng ta mà Ngài tu được, Ngài giác ngộ thì chúng ta cũng có thể tu và giác ngộ được. Cho nên, ai có tâm thì đều có thể thành Phật.

Chúng ta kiểm lại trên thế gian này xem, ai sinh ra đời cũng đều có tâm hết.

Nếu không tâm thì thành cây thành đá vô tri rồi! 

Mà có tâm tức là có biết.

Có biết tức có giác.

Có giác tức là có Phật.

Như Đức Phật giác ngộ là từ đâu mà giác? 

Có nhiều vị nghiên cứu lịch sử nghe nói Phật ngồi thiền định dưới cội Bồ-đề 49 ngày đêm.

Đến đêm 49 thấy sao Mai mọc, Ngài liền giác ngộ thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, rồi cho rằng Phật giác ngộ từ dưới cội Bồ đề.

Nhưng đâu phải vậy, mà chính từ tâm được giác ngộ.

Thì Phật cũng chính từ tâm chúng sanh giác ngộ mà thành Phật.

Khi giác ngộ rồi thì đổi tên “chúng sanh” thành tên “Phật”.

Cho nên, phẩm Phật đạo trong kinh Duy Ma Cật nói rằng:

“Tất cả phiền não là hạt giống của Như Lai”.

Nghĩa là hạt giống Như Lai ở ngay trong tất cả phiền não của chúng sanh.

Quý vị nghe vậy có tin không?

Bởi vì có phiền não cho nên quí vị mới tu, mới giác ngộ mới thành Phật.

Nếu không có phiền não thì đâu có tu.

Nên kinh nói tất cả phiền não là hạt giống của Như Lai.

Do đó, có câu: “Từ bùn lầy sanh hoa sen”.

Hoa sen mọc trong bùn lầy mà không mọc trên khô cạn.

Nhân đó, chúng ta thờ Phật ngồi trên đài sen.

Có ai thắc mắc không?

Người học Phật cần phải tìm hiểu rõ những ý nghĩa trên.

Kiểm lại phần lịch sử Đức Phật, Ngài sinh ra đời với thân tướng cao lớn hơn người thường.

Như vậy, đâu có hoa sen nào mà Ngài có thể ngồi trên đó được.

Sách ghi Ngài ngồi thiền trên bó cỏ của người cắt cỏ dâng cúng dưới cội Bồ-đề chứ đâu có ngồi trên hoa sen.

Đó là thờ Phật với ý nghĩa Ngài cũng là một chúng sanh từ bùn lầy của thế gian này rồi vươn lên giác ngộ thành Phật.

Cũng giống như hoa sen từ trong bùn nhô lên khỏi mặt nước, rồi nở dần ra và tỏa hương.

Vậy thờ Phật ngồi trên hoa sen là một tượng trưng, để nhắc nhở đánh thức chúng sanh có đầy đủ niềm tin rằng: Đức Phật cũng từ thế gian này tu hành giác ngộ, nếu chúng ta khéo tu thì cũng có thể giác ngộ.

Do đó, mọi người có đủ niềm tin để tiến tu thành Phật.

Nếu Phật từ trên trời xuất hiện xuống nhân gian rồi thành Phật, thì ngày nay có ai dám phát tâm tu để giác ngộ thành Phật!

Đa số đều sẽ nghĩ Phật là bậc thánh thiện, là bậc phi phàm, còn mình là chúng sanh mê muội nghiệp nặng, đâu thể tu giác ngộ được, nên không dám phát tâm tu cầu giác ngộ.

Do vì Đức Phật thị hiện xuống thế gian này cũng giống như mọi người, cũng sanh ra rồi lớn lên, cũng có vợ có con như bao người bình thường khác.

Nhưng Ngài sẵn sàng xả bỏ hết để tìm đường giác ngộ.

Vậy Phật cũng là một con người như chúng ta mà Ngài tu được, Ngài giác ngộ thì chúng ta cũng có thể tu và giác ngộ được.

Cho nên, ai có tâm thì đều có thể thành Phật.

Đây là một chân lý hiện thực rất gần gũi với mọi người, không phải chuyện xa xôi.