Translate into Other Languages
Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Hòa Thượng Thích Nhật Quang
Người tu theo đạo pháp của Phật thì phải là người thiểu dục, tri túc. Đây là bước đầu thông thường của người học Phật.
Nếu chúng ta học Phật mà chúng ta không thiểu dục thì chúng ta hành trì chưa đúng. Chưa đúng thì không thể có kết quả được.
“Thiểu” nghĩa là ít, là gọn gàng, giản dị, tối thiểu. Quả thật người tu thì phải thiểu dục. Nếu không thì bận rộn. Đa dục hoặc sẽ bị những thứ lăng xăng trước mắt cuốn lôi, qua mất một đời không có lợi lạc gì.
Sau khi “thiểu dục” rồi thì phải biết “tri túc”, là vừa đủ.
Nhưng vừa đủ như thế nào?
Nghĩa là phải giới hạn tùy theo những nhu cầu của bản thân.
Không nên buông lung theo những nhu cầu mới mẻ, hiện đại
Chẳng hạn, nói đến việc thông thường như ăn thôi, nếu chúng ta không giới hạn có chừng mực, mà dùng quá nhiều, hoặc thức ăn làm nặng bụng, hoặc quá nóng, quá lạnh, quá sống… vào buổi chiều, thì thời gian công phu đêm của chúng ta xem như bỏ phí.
Nặng bụng thì ngồi thiền cũng không được mà tụng kinh lạy Phật cũng không xong.
Vì vậy, giới luật là một phần giúp chúng ta biết thiểu dục, tri túc.
Đối với người tu thích ứng ở chỗ lặng lẽ.
Có một điều chúng ta dễ sai lầm trong việc tu hành ngày hôm nay là “cứ xông pha”.
Nên rồi thời gian tu tập thì dài mà việc ngộ đạo thì ít.
Nói là tu mà tam nghiệp vẫn y nguyên, tham sân si vẫn đầy dẫy.
Đối duyên xúc cảnh mình vẫn bị động, vẫn bị kéo lôi.
Đây là điều cốt lõi chúng ta cần phải kiểm lại.
Người xưa dạy chúng ta phải lựa chỗ tu thích hợp.
Chỗ thích hợp của người tu không luận pháp môn nào, cũng là chỗ “tránh duyên, tương đối yên lặng”.
Nếu không, sự ồn náo đã làm mất thời gian hiện tại mà còn để lại “dư âm”, làm mất thời gian khi chúng ta thực hành công phu.
Hòa thượng Viện trưởng Thiền viện Trúc Lâm từng nói với chúng tôi: “Dù cho người tu có trí tuệ, sức mạnh hoặc những điều kiện tu hành đắc lực như thế nào, mà không tránh duyên thì cũng không thể bảo quản công phu của mình cho tốt đẹp, cho viên mãn theo ý mình đã định”.