Translate into Other Languages
Phật Giáo Việt Nam
Hòa Thượng Thích Thanh Từ
Trong nhà Phật nói nhân quả có hai trường hợp: Một là tạo nhân tốt được quả tốt, hai là tạo nhân tốt nhưng không được quả tốt. Tại sao vậy?
Ví dụ hồi xưa mình đã cư xử với người đó rất xấu, bây giờ thấy họ khó khăn mình giúp. Hồi xưa xấu trăm phần trăm, bây giờ giúp mới bốn năm chục phần trăm, mà nghĩ đã có ơn với người ta rồi.
Khi thấy họ không thèm biết ơn, lúc đó mình tức tại sao giúp đỡ như vậy mà không biết ơn?
Nhưng so với quá khứ mình xấu, cái tội cũ trả chưa đủ mà bây giờ đòi ơn, làm sao chấp nhận được?
Cho nên tuy giúp mà người kia vẫn chưa thỏa mãn.
Nếu hiểu được nhân quả chúng ta chỉ cười thôi, giận làm chi.
Ngược lại có những người mình giúp họ một chút thôi, mà họ rất biết ơn, rất nhớ mình.
Vì ta không nợ họ, nên giúp một chút họ cũng thấy mình tốt.
Hiểu vậy, khi giúp ai ít mà người đó nhớ ơn, muốn tìm cách đền đáp lại, chúng ta biết mình với người đó chưa có nợ nần cũ.
Còn người mình lo thôi là lo mà họ vẫn không thèm biết ơn, cũng không có gì trách, cười thôi.
Hiểu được nhân quả như vậy quí Phật tử mới yên lòng tu. Nếu không nắm rõ lý nhân quả, chúng ta nhìn cuộc đời rất bực bội.
Phật tử nào tu hành khá, khi tạo nhân liền được hưởng quả.
Như quí thầy quí cô hoặc Phật tử giúp ai, không nghĩ họ phải trả ơn mình.
Thấy người khổ cứ giúp, khả năng tới đâu giúp tới đó, miễn họ bớt khổ là mình mừng, họ vui mình vui, như thế đủ rồi, không mong cầu chi hết.
Như vậy nhân mình tạo ra là giúp người bớt khổ, được vui.
Thấy người vui mình vui theo, đó là gieo nhân gặt quả liền. Nhân quả có ngay hiện đời, không trông đợi xa xôi.
Cả ngày mình giúp người này vui, người nọ vui. Họ vui bao nhiêu mình vui bấy nhiêu. Rõ ràng tạo nhân liền có quả.
Nếu chúng ta trông chờ đền đáp, nhiều khi người ta đáp không như mình mong muốn thì dễ bực bội, hờn trách.
Chỉ cần thấy người ta hết khổ được vui, mình vui theo đó là quả tốt rồi.
Bởi vậy Bồ-tát giúp tất cả chúng sanh mà không chán. Vì chúng sanh hết khổ được vui thì Bồ-tát vui rồi, đâu có chờ đợi.
Còn chúng ta giúp chúng sanh dễ chán lắm. Tại sao?
Tại mình giúp ai thì muốn người ta biết ơn và đền ơn lại. Nếu họ không biết ơn đền ơn thì mình buồn, không muốn giúp nữa.
Bồ-tát thấy chúng sanh đang đói, đưa miếng bánh mì cho họ ăn. Ăn xong họ cười là Bồ-tát vui rồi, khỏi cần nghĩ gì.
Như vậy hai thái độ tạo nhân quả khác nhau, một cái mong có sự thù đáp, một cái không mong sự thù đáp dẫn tới hai kết quả khác nhau.
Nhân quả không mong sự thù đáp là nhân quả của người biết đạo sâu xa. Tạo nhân quả như thế mới là lẽ chánh của người tu Phật.