Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Đối với nhiều người, trả nợ tào quan như là cách để chuyển hóa những việc bất như ý của chính mình. Thế nhưng, việc làm này có thực sự lợi ích hay không thì nhiều người mơ hồ, không biết rõ đúng sai.
♦ Vậy trả nợ tào quan là gì? Tại sao có người phải trả nợ tào quan?
Mời quý vị và các bạn cùng tìm hiểu qua lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh để có được kiến thức đúng đắn từ góc nhìn của Phật giáo.
♦ Tào quan là gì?
Theo quan niệm dân gian, tào quan hay quan công tào là ông quan dưới âm phủ xử lý việc công và công chính.
♦ Trả nợ tào quan là gì? Tại sao phải trả nợ tào quan?
Quan niệm dân gian cho rằng, chúng ta sinh vào những tuổi này, tuổi kia là mắc nợ tào quan. Theo đó, nếu chúng ta mắc nợ kim tiền, vàng mã, các thứ bao nhiêu thì phải trả nợ, nếu không trả thì cuộc đời rất lận đận, bất hạnh, nhiều điều khổ lụy.
Có những người muộn vợ, muộn chồng hay làm ăn bị vỡ nợ, phá sản cũng được cho là mắc nợ tào quan. Bởi những người đó trong kiếp trước có nợ người, nợ tiền (quỵt tiền, ăn cắp tiền của người mà không trả), nợ tình (thề thốt hứa hẹn với người nhưng cuối cùng phản bội người), nợ danh (làm cho người bị mất danh), nợ mạng (sát hại, làm người mất mạng). Những nợ đó được quan công tào ghi lại vào sổ nợ.
Số nợ đó được cho là chúng ta mắc nợ tào quan và khi tái sinh kiếp sau, chúng ta phải trả những nợ này bằng lễ trả nợ tào quan với việc sát sinh, cúng tế, đốt vàng mã (kim ngân, kim xuyến, voi, ngựa, mũ mão, tiền vàng), hình nhân thế mạng….
♦ Trả nợ tào quan theo quan điểm đạo Phật
Đạo Phật không có chuyện trả nợ tào quan. Nhưng trong tiền kiếp, chúng ta tạo ác nghiệp nên có nợ nghiệp, tức là chúng ta phải mang nghiệp và phải trả nợ nghiệp.
Trả nợ nghĩa là có mắc nợ mới phải trả nợ. Chúng ta là nợ nghiệp, nợ oan gia trái chủ chứ không phải nợ ông quan công tào nên không có ông quan công tào giữ sổ, đến đòi nợ chúng ta. Oan gia trái chủ là những người mà kiếp trước chúng ta gây ác, gây khổ cho họ nên bây giờ họ theo đòi nợ.
♦ Cách “trả nợ” đúng để mau hết nợ
Theo quan điểm của Phật giáo, chúng ta trả nợ nghiệp, chuyển nghiệp bằng cách sám hối, tu tập, làm phước. Tu tập để chuyển nghiệp là cách duy nhất, còn việc đốt hình nhân thế mạng, vàng mã thì không trả được nợ.
Người Phật tử chân chính biết rằng: Không có nợ tào quan mà chúng ta có nợ nghiệp. Chúng ta mang một khối nợ nghiệp từ kiếp trước sang kiếp này, vợ/chồng hay con cái nhiều khi đó cũng là nợ của chúng ta, cho nên chúng ta tìm cách tu tập để mà trả nợ. Những cái nợ như vậy là thật, Phật Pháp xác nhận là có, oan gia trái chủ đến “hành”, phá mình nên chúng ta phải tu tập để chuyển hóa.
Trả nợ tào quan là không đúng với lời Phật dạy. Cho nên, từ lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh, mỗi chúng ta nên tinh cần tu tập, sám hối, làm phước – đó là cách đúng đắn nhất để chúng ta chuyển hóa khổ đau của chính mình, đạt được hạnh phúc, an vui.