Buông Bỏ Là Một Loại Trí Tuệ!

Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Thích Hạnh Tuệ


Ai không học, không tu được chữ “buông bỏ” mà muốn sống an vui hạnh phúc trong cuộc đời này thì không khác gì muốn nấu cát thành cơm.

Buông bỏ là một loại trí tuệ cần thiết cho đời sống an vui hạnh phúc.

Hạnh phúc có mặt khi chúng ta biết buông bỏ những khúc mắc, nội kết trong lòng.

An lạc có mặt khi chúng ta biết buông bỏ những thứ gánh nặng trong lòng xuống.

Vui vẻ có mặt khi chúng ta biết buông bỏ những thù ghét đố kỵ trong tâm xuống.

Bình yên có mặt khi chúng ta biết buông bỏ những thứ không cần thiết mà đã làm chúng ta lo lắng bất an.

“Bỏ tất cả mới được tất cả, dù được tất cả vẫn không giữ một niệm dính mắc chấp có.”. Đây là lời dạy cao quý sắc và tế nhị của các bậc trí tuệ hiền triết, nếu nhận thức một cách đơn giản cạn cợt thì sẽ dễ phát sinh hiểu nhầm tai hại.

Thông thường thì hầu hết ai cũng nghĩ chỉ có tranh giành mới được, giữ chắc mới được, nắm chắc mới được, ôm chặt mới được.

Bỏ là mất đi, buông là mất đi, xả là mất đi, là thiệt thòi, là không nên, là ít người chịu bỏ, chịu buông, chịu thiệt.

Nhưng trên đời lại có nhiều thứ càng tranh giành càng không được, càng nắm chặt thì càng dễ rớt, càng ôm chặt thì càng dễ mất, càng tham lam thì càng thâm nhiều; càng không tranh lại tự được, càng buông bỏ thì càng tốt hơn, càng xả thì càng tăng, càng cho đi nhiều thì càng được nhiều hơn.

Ai không học, không tu được chữ “buông bỏ” mà muốn sống an vui hạnh phúc trong cuộc đời này thì không khác gì muốn nấu cát thành cơm.

Lý cao siêu chí đạo, thì xả bỏ là pháp tu tối thượng, là pháp tu đạt đến giác ngộ Niết Bàn khi xả bỏ Ngã chấp và pháp chấp, bỏ hết được tham lam, sân hận, ngu si…trong 7 pháp bồ đề thì xả là pháp cuối cùng; trong tứ vô lượng tâm, thì tâm xả càng quan trọng. 

Lý lẽ thông thường của cuộc đời:

  • Không bỏ ra cái nhỏ sao có được cái lớn. 
  • Không bỏ vốn ra làm ăn, làm sao có lời vào.
  • Không bỏ công sức tiền bạc học, sao thành tài được.
  • Không bỏ thói hư tật xấu, tính ác sao thành người tốt, người hiền được,
  • Không bỏ thời gian sức lực công phu tập luyện thân thể làm sao có sức khỏe tốt được
  • Không bỏ tính ích kỷ nhỏ nhen làm sao sống được vui vẻ được mọi người quý mến.
  • Không bỏ tính bỏn sẻn tham làm thì sao có được nhiều bạn bè tốt.
  • Không bỏ được tính nóng nảy giận hơn thì làm sao gia đình được êm ấm.
  • Không bỏ qua lỗi lầm của người khác lam sao muốn được người khác tha thứ cho mình.
  • Không bỏ thói cố chấp hơn thua thì làm sao sống an vui hạnh phúc được…

Dù là tu hành đạt đến sơ thiền, đạt được niềm hỷ lạc nhờ xa lìa buông bỏ các pháp ác, nhưng nếu không bỏ sơ thiền thì làm sao tiến lên nhị thiền hỷ do định sanh được, hoặc tam thiền ly hỷ diệu lạc, hoặc tứ thiền xả niệm thanh tịnh được

Đương nhiên, tùy theo mỗi người, mỗi trường hợp, mỗi thời điểm, mỗi hoàn cảnh chúng ta áp dụng pháp buông bỏ, hỷ xả phù hợp thì ý nghĩa của nó càng lớn hơn.

Nên dù tu hành, hay sống trong cuộc đời bình thường thì biết buông bỏ mới là thật được, nhất là buông bỏ các thói hư tất xấu, tính ác, ích kỷ, cố chấp thì hạnh phúc mới đến gần ta được.

Biết buông bỏ

Tập hỷ xả

Tùy thời, tùy việc

Bớt khổ thêm vui

Cùng làm nhé