Translate into Other Languages
Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh
Nếu chúng ta không có mặt thì chúng ta để cho ngôi nhà bốn lĩnh vực ấy tan hoang. Cái thân của chúng ta sẽ yếu đuối, cái thọ của chúng ta sẽ đầy những khổ đau, cái tâm của chúng ta rối ren, và những pháp của ta đều là phiền não.
Trong tâm ta, trong ký ức ta, có một hình ảnh đã được gieo vào từ 20 năm về trước. Bây giờ hình ảnh đó hiện trở lại, và hai trường hợp có thể xảy ra. Thứ nhất là chúng ta có thể bị cái hình cũ lôi kéo vào một cuộc phiêu lưu, và chúng ta sống lại thế giới của quá khứ. Trong trường hợp này chúng ta đi vào thất niệm. Đó là nhớ nhưng không phải là nhớ trong chánh niệm. Một hình ảnh có thể áp dẫn chúng ta trở về quá khứ, hay lôi cuốn chúng ta phiêu lưu tới một tương lai chưa hề xẩy ra, để mơ tưởng, để phập phồng, lo âu, sợ hãi, và chúng ta quên lãng, không có mặt trong giây phút hiện tại nữa. Đó là thất niệm.
Trái lại nếu hình ảnh đó từ tiềm thức hay vô thức (trong tàng thức) phát hiện ra mà chúng ta biết mỉm cười nhận diện, ta nói: “à, chào ngươi, ngươi đã trở lại’’. Trong trường hợp này chúng ta vẫn còn an trú trong hiện tại. Chúng ta đã khiến việc nhớ lại hình ảnh quá khứ trở thành một biến cố xảy ra trong hiện tại. Có chánh niệm, ta không cần phải xua đuổi hình ảnh đó. Nó không kéo ta được về quá khứ, nó không dẫn ta phiêu lưu tới tương lai. Trường hợp này là có chánh niệm.
Có chánh niệm tức là tâm ta giữ được chủ quyền, và thất niệm là đánh mất chủ quyền. Có thể nói rằng chánh niệm giúp cho ta vẫn còn là ta, có mặt trong cuộc đời để tiếp xúc với sự sống chân thật. Nếu không có chánh niệm thì ta không còn là ta nữa. Chúng ta hãy tưởng tượng có một ngôi nhà không chủ, ngôi nhà đó sẽ tan hoang. Con người ta gồm có bốn phần: thân, thọ, tâm và pháp.
Nếu chúng ta không có mặt thì chúng ta để cho ngôi nhà bốn lĩnh vực ấy tan hoang. Cái thân của chúng ta sẽ yếu đuối, cái thọ của chúng ta sẽ đầy những khổ đau, cái tâm của chúng ta rối ren, và những pháp của ta đều là phiền não.
Vì vậy cho nên khi chúng ta có mặt thì căn nhà của ta hay khu vườn của ta mới trở nên một căn nhà hay một khu vườn tươi mát có thể đem lại an lạc. Người Việt Nam hay nói vắng như chùa Bà Đanh. Chắc hẳn chùa Bà Đanh là cái chùa không ai chăm sóc. Mỗi người tu cũng là một ngôi chùa. Đừng để ngôi chùa ta biến thành chùa Bà Đanh.
Trong khi đi, đứng, nằm, ngồi; trong cảm thọ vui, buồn, giận, ghét; trong khi ăn, uống, cười, nói ta phải có chánh niệm. Có chánh niệm thì ngôi chùa chúng ta có một vị trụ trì và ngôi chùa đó không thể trở thành chùa Bà Đanh.