Translate into Other Languages
Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Thượng Tọa Thích Chân Quang
Những ai hiểu Luật nhân quả đến mức độ tinh tế, sâu xa thì cuộc sống càng lúc càng chuẩn xác, càng đạo đức mẩu mực, càng cẩn thận chi li, tế nhị hết sức văn minh lịch sự…
Nếu có ai hỏi ta, luật nhân quả trong đạo Phật là gì?
Ta trả lời theo từng bước khoa học sau:
Luật nhân quả có nhiều loại, có nhân quả của nông nghiệp, có nhân quả của vật lý, có nhân quả của y học, có nhân quả của luật pháp, của xã hội.. Nhưng trong Đạo Phật thì Luật nhân quả là chuyên về THIỆN ÁC BÁO ỨNG. Mà Thiện Ác báo ứng là gì? Nghĩa là chúng sinh sống trên cuộc đời này bị chi phối bởi động cơ của khổ và vui, lúc nào cũng phải tránh khổ và tìm vui, và khi ta đánh vào cái khổ của chúng sinh thì tạo ra nhân quả báo ứng. Khi ta làm cho chúng sinh khổ thì ta bị tội, khi ta làm cho chúng sinh vui thì ta được phước. Đó là nhân quả thiện ác báo ứng mà Đức Phật nói, đạo Phật nói.
Có người nói luật nhân quả, khoa học chưa chứng minh được!
Ta sẽ trả lời rằng: Khoa học là tất cả những điều logic, chứng minh được và tất cả những điều chứng minh được đó đều bắt đầu từ một điều không bao giờ chứng minh được đó là Định đề Euclid. Trong đạo Phật cũng vậy, vô số những đạo lý logic, chặt chẽ chứng minh được và cũng đều dựa trên một định đề không bao giờ chứng minh được đó là LUẬT NHÂN QUẢ.
Đường tu, lẽ sống của người đệ tử Phật phải đều dựa trên trí tuệ hiểu biết về nhân quả. Tất cả chúng ta không bao giờ chạy ra khỏi nhân quả. Mỗi một lời nói, mỗi một tính toán, mỗi một chương trình kế hoạch, mỗi một việc làm của ta không cho một giây phút nào rời khỏi cái suy tư, cái tư duy về Luật nhân quả. Ta làm gì, nói gì đều cân nhắc xem mức độ Thiện Ác của nó như thế nào. Nếu xét thấy rằng nơi câu nói này tạo thành TỘI thì không nói. Còn nói câu này tạo thành PHÚC thì ta nói để cho người được lợi ích.
Người đệ tử Phật trong từng giờ, từng phút chỉ cân nhắc điều đó để SỐNG để, để NÓI, để LÀM, để SUY NGHĨ. Nên những ai hiểu Luật nhân quả đến mức độ tinh tế, sâu xa thì cuộc sống càng lúc càng chuẩn xác, càng đạo đức mẩu mực, càng cẩn thận chi li, tế nhị hết sức văn minh lịch sự…