Trích Từ: Phật Giáo Việt Nam
Trích Kinh Mi Tiên (Dịch Giả: Hòa Thượng Giới Nghiêm)
Đức vua Mi-lan-đà hỏi Tỳ kheo Na-tiên:
Bậc Vô sanh, nghĩa là người đã Niết bàn, có còn đau khổ chút ít nào không, thưa đại đức?
Một chút ít thọ khổ ấy cũng không có, tâu đại vương!
Vậy thì trong đời này, các ngài chứng ngộ lý Vô sanh rồi có còn thọ khổ chút ít không?
Thọ khổ nơi thân thì còn mà thọ khổ trong tâm thì không, tâu đại vương!
Tại sao thế?
Thân còn thọ khổ vì thân còn bị già, bị bệnh, còn bị sự biến hoại đổi khác do các định luật tự nhiên chi phối như định luật sinh học, định luật khí hậu, thời tiết, nắng mưa… Tâm không còn thọ khổ nữa là do tâm ấy đã dập tắt tất cả mọi nguyên nhân tạo tác đau khổ: ấy là vô minh, ái dục!
Giác ngộ, giải thoát rồi mà còn đau khổ nơi thân, thế sao các ngài không Niết bàn đi?
Tâu đại vương! Các ngài chưa Niết bàn vì các ngài chẳng tham cầu sự sống mà cũng chẳng bất bình, chán ghét sự sống. Các bậc A-la-hán ấy họ sống an nhiên, tự tại giữa cuộc đời, còn duyên thì đến, hết duyên thì đi. Trái cây kia chưa đúng thời, chưa chín thì họ chẳng mong chín mau, chín vội bao giờ!
Cho nên tôn giả Xá-lợi-phất thuở còn sinh tiền, có câu kệ ngôn sau:
“Tịch diệt chẳng ưa thích
Mà sự sống cũng không
Chẳng hy cầu tham luyến
Chẳng trái ý nghịch lòng
Còn duyên, thời thì ở
Hết duyên, thời thì đi
Không, vô tướng, vô tác
Tùy hữu vi, vô vi!”
Đức vua Mi-lan-đà cảm thán thốt lên:
Hay thay! Tuyệt vời thay! trẫm đã hiểu.